Học giả Mỹ: "Ngoại trưởng Tillerson nên rời bỏ ông Trump, công khai và càng sớm càng tốt"

Ngọc Anh |

Ngoại trưởng Tillerson là một trong số ít người đang bảo vệ nước Mỹ khỏi sự hỗn loạn, nhưng việc ông tiếp tục làm ngoại trưởng cho ông Trump không chắc sẽ giúp tình hình tốt lên.

Theo phân tích của Giáo sư sử học Julian Zelizer (Đại học Princeton Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hiện nay đã không còn mấy tiếng nói và sức ảnh hưởng trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Vì vậy, ông Tillerson chỉ còn một cách duy nhất để phát huy ảnh hưởng của mình, đó là từ chức và giải thích vì sao Nhà Trắng phải thay đổi.

Vì sao ông Tillerson nên can đảm lên tiếng?

Giáo sư Zelizer viết trên CNN rằng nếu Ngoại trưởng Rex Tillerson không thích cách mà Tổng thống Trump điều hành chính quyền, ông Tillerson nên từ chức, một cách công khai và càng sớm càng tốt.

Trong vài tuần qua, những dấu hiệu về sự bất đồng giữa ông Tillerson và ông Trump đã ngày càng rõ nét. Thậm chí các tin đồn về việc ông Tillerson dự định từ chức từ tháng 7/2017 và gọi ông Trump bằng từ "kẻ ngốc" đã lan truyền và ông Tillerson phải họp báo bất thường để khẳng định mình sẽ tiếp tục tại nhiệm.

Ông Tillerson, một ngoại trưởng không có kinh nghiệm chính trị và cũng không hẳn có quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Trump, đã bắt đầu bị ông Trump chỉ trích, không lắng nghe. Tổng thống Trump đã thể hiện ra là mình đi theo một hướng khác với vị ngoại trưởng thận trọng trong các vấn đề chủ chốt như Triều Tiên chẳng hạn.

Zelizer cho rằng ông Tillerson đã cố gắng giải quyết "mớ bòng bong" mà ông Trump đang gây ra, nhưng chẳng đạt được mấy kết quả.

Tuy Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ Bob Corker cho rằng ông Tillerson là một trong số ít người đang bảo vệ nước Mỹ khỏi sự hỗn loạn nhưng Zelizer đánh giá việc Tillerson tiếp tục làm ngoại trưởng cũng không chắc sẽ làm cho tình hình tốt lên.

Thực tế, có ý kiến cho rằng nếu ông Tillerson thực sự không hài lòng, điều tốt nhất ông ấy có thể làm là thực hiện một hành động chính trị can đảm – đó là rời khỏi chính quyền để tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ cần thiết để đánh thức những nghị sỹ Cộng hòa ở đồi Capitol.

Trong lịch sử, đã từng có một số thành viên nội các và các quan chức cấp cao trong các chính quyền Mỹ từ chức vì bất đồng ý kiến.

Năm 1915, Ngoại trưởng William Jennings Bryan đã rời khỏi chính quyền của Tổng thống Woodrow Wilson vì bất đồng trong chính sách quân sự đối với châu Âu.

Năm 1933, Thứ trưởng Bộ Tài chính Dean Acheson cũng từ chức để phản đối việc Tổng thống Franklin Roosevelt xóa bỏ tiêu chuẩn về vàng.

Tháng 10/1973, Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson cũng tuyên bố từ chức sau khi Tổng thống Richard Nixon yêu cầu ông sa thải Archibald Cox – công tố viên đặc biệt đang điều tra vụ bê bối chính trị Watergate của ông Nixon.

Năm 1996, Bộ trưởng Y tế và các Dịch vụ Nhân sinh Peter Edelman đã rời bỏ chính quyền của ông Clinton để phản đối các cải cách trong luật phúc lợi.

Học giả Mỹ: Ngoại trưởng Tillerson nên rời bỏ ông Trump, công khai và càng sớm càng tốt - Ảnh 1.

Ông Tillerson có nên tiếp tục ở lại Nhà Trắng khi mối quan hệ giữa ông và Tổng thống Trump đã trở nên căng thẳng hơn? Ảnh: Reuters

Zelizer cho rằng khi các thành viên nội các tiếp tục làm việc cho một tổng thống mà họ cảm thấy bất đồng trong những vấn đề nền tảng, kết quả công việc sẽ không bao giờ tốt. Những thành viên nội các đó sẽ trở thành các "thế nhân" hợp pháp hóa cho những quyết định dở tệ của tổng thống.

Lịch sử đã ghi lại bài học trên trong trường hợp của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Ông McNamara đã phải vật lộn với chính mình trong các quyết định về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ở thời điểm năm 1968, ông McNamara đã hiểu rõ sự vô nghĩa của cuộc chiến này và cái giá mà các gia đình lao động trung lưu Mỹ phải trả khi con em họ tham gia vào cuộc chiến, nhưng ông vẫn quyết không từ bỏ chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson.

Tổng thống Johnson lúc đó đã phải dựa vào sự thông minh và uy tín của McNamara để đẩy lùi những phê phán và chỉ trích về "sai lầm khủng khiếp" đối với Việt Nam.

Nhà sử học Zelizer đánh giá, dù có bất đồng ý kiến, ông McNamara đã chọn cách ở lại chính quyền và im lặng, không làm gì để ngăn chặn một cuộc chiến ngày càng tồi tệ hơi đối với nước Mỹ trong thời gian ông tại nhiệm ở Lầu Năm Góc.

Học giả đại học Princeton khẳng định, dù thực tế cho thấy rằng các cuộc từ chức không hẳn đã hiệu quả trong việc ngăn chặn một chính sách nào đó, nhưng chúng quan trọng và tiếp thêm năng lượng cho phía bất mãn và phản đối tổng thống. Với ý nghĩa đó, từ chức trở thành hành động hiệu triệu sự lên tiếng phản đối.

Điều gì có thể xảy ra khi ông Tillerson chủ động ra đi?

Trong trường hợp của Ngoại trưởng Tillerson, nếu ông từ chức, hiệu ứng sẽ mạnh hơn những vụ từ chức hay ra đi mới đây trong chính quyền ông Trump.

Theo Zelizer, ít nhất, sự ra đi của ông Tillerson sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên có một quan chức cao cấp đứng lên bảo vệ nguyên tắc của mình và chống lại sự hỗn loạn đang ngày càng rõ nét ở Nhà Trắng của ông Trump.

Sự ra đi (nếu có) của ông Tillerson cũng sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác làm điều tương tự. Những nghị sỹ Cộng hòa ở Quốc hội sẽ cảm thấy một sự "khủng hoảng" và họ sẽ phải gây áp lực hơn cho những cố vấn xung quanh Tổng thống.

Ông Tillerson ra đi cũng đồng nghĩa với việc một người nhiều kinh nghiệm chính trị hơn, như bà Nikki Haley (đang làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc), sẽ lên thay thế.

Quan trọng hơn, khi ông Tillerson từ chức thì những nghị sỹ Cộng hòa sẽ mạnh mẽ hơn trong việc kiềm chế hay thách thức năng lực của Tổng thống.

Vì nước Mỹ đang tiến gần tới một thời điểm quan trọng trong xử lý vấn đề Triều Tiên cũng như Iran, theo học giả Zelizer, nếu Ngoại trưởng Tillerson từ chức thì việc đó sẽ có thể gửi đi một thông điệp đặc biệt khẩn cấp.

Việc ông Tillerson từ chức cũng sẽ định hình các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, góp phần tạo lập nên một quốc hội mới với nhiều nhà lập pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiềm chế tổng thống. Đồng thời, đó cũng là một cú hích đối với những người Cộng hòa đang tìm cách thế chỗ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, với hy vọng đưa đường lối đối ngoại của Mỹ trở lại ổn định hơn.

Chuyên gia Zelizer kết luận rằng, thay vì im lặng và chiến đấu với lương tri của chính mình, nếu ông Tillerson thực sự muốn có được ảnh hưởng nào đó đến các chính sách đối ngoại của Mỹ, thì vị Ngoại trưởng nên xem xét từ chức và công khai rõ những cảm nhận của mình về Tổng thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại