Học đã lâu rồi, thế bạn có phân biệt được thực dân với đế quốc không?

Gabe |

Tuy thường được sử dụng nhưng không phải ai cũng phân biệt được các khái niệm này, đặc biệt là sự khác nhau giữa thực dân và đế quốc.

Chủ nghĩa thực dân

Là chính sách tạo dựng và duy trì hình thức thuộc địa của 1 nước lên 1 nước khác thông qua hình thức bạo lực. Mẫu quốc có thể tuyên bố chủ quyền và bổ nhiệm toàn quyền cai trị đối với các lãnh thổ này.

Hiểu nôm na, một nước lớn, có nền kinh tế, quân sự mạnh sẽ đem quân đi xâm chiếm các nước bé hơn rồi xây dựng hệ thống thuộc địa riêng của mình ở chính các nơi này. Tại đó, các chính sách thực dân sẽ đem lại cho mẫu quốc nhiều lợi ích như: Đầu ra cho nhiều sản phẩm trong nước, nguồn thu các nguyên liệu, sản phẩm thô khổng lồ.

 Khái niệm này thường được nhắc tới nhiều nhất trong giai đoạn từ thế kỷ 15-20 khi nhiều nước châu Âu thi nhau xây dựng thuộc địa cho riêng mình như: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Trong đó, Anh là ví dụ điển hình cho chủ nghĩa này, tính đến trước cuối thế kỷ 19, thuộc địa của Anh trải khắp địa cầu,  chiếm 1/4 diện tích lục địa (33 triệu km2) và 1/4 dân số thế giới (400 triệu người). Giai cấp tư sản Anh đã tự hào rằng "Mặt Trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ Anh".

Chủ nghĩa đế quốc

Là chính sách mà qua đó, các quốc gia hùng mạnh hơn mở rộng và duy trì quyền kiểm soát hay ảnh hưởng của mình đối với các nước bé hơn. 

Trên thực tế, hình thức này đã xuất hiện từ thời cổ đại, trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến... (như La Mã hay Nguyên Mông). Tuy nhiên, nó phát triển mạnh mẽ nhất trong thời đại tư bản ở châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ 15 khi nhiều quốc gia lũ lượt đi xâm chiếm thuộc địa.

Nghe đến đây, nó có vẻ giống với chủ nghĩa thực dân. Đúng là 2 khái niệm này giống nhau ở nhiều điểm về bản chất, thường được dùng thay thế lẫn nhau trong nhiều hoàn cảnh, tuy nhiên, chúng cũng có sự khác nhau cơ bản. 

Trong khi chủ nghĩa thực dân có thể hiểu như việc kiểm soát về mặt chính trị của các nước thuộc địa, bao gồm cả việc sát nhập và đánh mất chủ quyền thì chủ nghĩa đế quốc mang hàm nghĩa rộng hơn. Nó có thể kiểm soát trực tiếp về mặt chính trị của các nước thuộc địa hoặc gián tiếp thông qua những ảnh hưởng to lớn về kinh tế mà không nhất thiết phải xâm chiêm nước đó.

Cũng vì sự khác nhau cơ bản trên mà từ sau Thế Chiến 2, chủ nghĩa thực dân suy thoái dần và gần như đã biến mất bởi làn sóng phi thực dân hóa ở các nước thuộc địa, chủ yếu là châu Á và châu Phi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại