Triển khai Chương trình GDPT 2018, học bạ điện tử là đòi hỏi tất yếu để nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng giáo dục tại cơ sở. Ảnh: Q. Ngữ
Cán bộ, giáo viên mong muốn sớm triển khai học bạ điện tử đồng bộ, thống nhất trên cả nước.
Giảm việc không tên
Nhiều ý kiến khẳng định, học bạ điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành; hạn chế giấy tờ, cắt giảm hồ sơ trong thủ tục hành chính trường học. Đặc biệt, triển khai Chương trình GDPT 2018, đây là đòi hỏi tất yếu để nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng giáo dục tại cơ sở.
Thầy Thạch Sa Quên - giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, học bạ điện tử có chữ ký xác thực của cá nhân và tổ chức thẩm quyền, mang giá trị pháp lý, có thể sử dụng như học bạ giấy và trên môi trường số. Nếu triển khai hiệu quả học bạ điện tử sẽ giảm công việc cho giáo viên, góp phần cải cách hành chính, tăng công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh. Cùng đó, số hóa hồ sơ sổ sách giúp tiết kiệm khoản mua sổ, giấy, in ấn...
Tại tỉnh Bến Tre, sở GD&ĐT sớm triển khai số hóa ngành Giáo dục, đặc biệt là học bạ điện tử. Từ năm 2011, sở ban hành Quy chế quản lý, sử dụng sổ điện tử theo dõi đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Học bạ điện tử được áp dụng chính thức từ năm học 2021 - 2022 nhằm hướng tới chuyển đổi hoàn toàn các loại hồ sơ giấy trong nhà trường thành điện tử.
Cụ thể, học bạ điện tử thực hiện với lớp 1, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022. Năm học 2022 - 2023, tiếp tục triển khai với lớp 2, lớp 7, lớp 10 và cuốn chiếu đến năm học 2025 - 2026. Theo đó, việc cập nhật danh sách, sơ yếu lý lịch; thông tin học sinh nghỉ học, chuyển lớp, trường và các hoạt động giáo dục, điểm số, nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh… được giáo viên thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý trường học.
Ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết, tùy vào điều kiện nhà trường, hiệu trưởng có thể tổ chức cho giáo viên thực hiện ký số trên sổ điện tử theo dõi và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện học sinh. Việc này phải bảo đảm tính pháp lý, kiểm soát quyền ký số của giáo viên, an toàn thông tin trong quản lý, lưu trữ và tra cứu sổ điện tử…
Ngoài sổ theo dõi và đánh giá học sinh điện tử, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử, nhà trường có thể tự xây dựng quy trình, quy định theo thẩm quyền để sử dụng các loại sổ điện tử khác thay sổ giấy có trên hệ thống phần mềm quản lý trường học đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”
Hải Phòng - một trong những địa phương đã triển khai sổ điểm, học bạ điện tử. Thực tiễn áp dụng từ năm học 2021 - 2022, cô Phạm Thanh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, TP Hải Phòng) khẳng định nhiều ưu điểm.
“Sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử rút ngắn thời gian làm sổ, tiết kiệm công sức giáo viên. Thầy cô giảm áp lực trong tính điểm trung bình môn, xếp loại học lực, xếp hạng... học sinh; đồng thời bảo đảm tính chính xác. Ban giám hiệu quản lý dễ dàng việc kiểm tra, đánh giá học sinh của giáo viên, hạn chế tiêu cực trong xin, sửa điểm.
Việc xếp loại học lực học sinh nhẹ nhàng, chính xác hơn so với sổ điểm giấy. Minh bạch trong kết quả học tập, góp phần chống tiêu cực gian lận thi cử và bệnh thành tích giáo dục. Với phụ huynh, sổ điểm điện tử giúp nắm được kết quả học tập của con em; thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và gia đình”, cô Phạm Thanh Thúy nhận định.
Thông tin từ ông Võ Thanh Vương Đạo - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Bến Tre, tùy điều kiện thực tế mà các trường chọn sử dụng học bạ điện tử trên vnEdu cho khối lớp tương ứng và phải sử dụng tiếp (cuốn chiếu) đến năm cuối cấp. Vì vậy, học bạ điện tử ở các trường có thể khác nhau về thời gian bắt đầu. Trường THCS, THPT đã sử dụng nhiều năm, đến nay cuốn chiếu đến lớp cuối cấp học. Trường tiểu học khởi động chậm hơn và không giống nhau; với trường mầm non đang khuyến khích thực hiện.
Hiện các trường ở Bến Tre sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu). Giáo viên chuyển quản lý kết quả, quá trình học tập của học sinh từ thủ công, hồ sơ giấy lên hệ thống phần mềm trực tuyến, hồ sơ điện tử. Việc chuyển đổi giúp nhà trường, giáo viên thực hiện sơ, tổng kết, đánh giá kết quả học sinh giữa và cuối năm học, nhanh, đầy đủ, chính xác hơn.
Kết quả học tập, rèn luyện học sinh đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” - làm dữ liệu gốc để thông báo tới phụ huynh (qua tin nhắn điện thoại, Email, Zalo, bản in gửi trong cuộc họp phụ huynh học sinh) và phục vụ hoạt động chuyển đổi số khác của nhà trường, phòng/sở GD&ĐT.
Đối với trường chưa triển khai ký số, học bạ thực hiện trên phần mềm thành học bạ số; sau đó in sổ điểm, học bạ để giáo viên, lãnh đạo nhà trường ký, đóng dấu xác nhận làm hồ sơ pháp lý cung cấp cho học sinh khi ra trường. Cách làm này tiện lợi, nhanh, chính xác hơn thực hiện học bạ thủ công. Việc in học bạ giấy, giáo viên, hiệu trưởng ký xác nhận là một phần quy trình phải có trong tạo lập học bạ xác nhận kết quả học tập của học sinh, không thể bỏ qua bước này nhằm bảo đảm tính pháp lý của học bạ.
Thầy Thạch Sa Quên - giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) kiến nghị: Triển khai học bạ điện tử cần đồng bộ, thống nhất kết nối liên thông dữ liệu để không tốn thời gian nhập liệu nhiều lần và có kết quả chính xác. Đồng thời, ngành Giáo dục cần quan tâm, tổ chức tập huấn, thường xuyên khuyến khích giáo viên sử dụng phần mềm tiện ích trong thực hiện hồ sơ, sổ sách điện tử để tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo...