2023 gần như chắc chắn sẽ là một năm ảm đạm nhất của hoạt động đấu giá cổ phần trên sàn chứng khoán từ trước đến nay. Theo thống kê từ các Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE và HNX), đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 đợt đấu giá cổ phần kể từ đầu năm. Tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá đạt hơn 2.700 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Từ đầu năm, HoSE chỉ có duy nhất một đợt đấu giá thành công khi Petrolimex hoàn tất thoái vốn (120 triệu cổ phiếu, 40% cổ phần) tại PGBank (PGB), thu về hơn 2.568 tỷ. Trong khi đó, HNX có 2 đợt đấu giá là Ắc quy Tia Sáng (TSB) bán thành công 3,44 triệu cổ phần với giá trị gần 135 tỷ và EVNNPC đấu giá 2,34 triệu cổ phần tại Thiết bị Điện Miền Bắc (NEEM), thu gần 29 tỷ đồng.
Thực tế, hoạt động đấu giá cổ phần đã rơi vào “downtrend” kể từ sau giai đoạn bùng nổ 2015-18. Những năm gần đây, số lượng các đợt đấu giá trên sàn chứng khoán ngày càng ít, “bom tấn” gần như không có. Giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cũng liên tục giảm mạnh sau khi đạt đỉnh gần 130.000 tỷ vào năm 2017.
Không chỉ hoạt động đấu giá cổ phần, số lượng cổ phiếu niêm yết mới cũng rất hạn chế. Từ đầu năm đến nay, HoSE và HNX chỉ đón thêm tổng cộng 9 cổ phiếu (PVP, ADP, SIP, HTG, SBG, KSV, PPT, DTG, VFS) và 1 chứng chỉ quỹ (BVF VNDiamond ETF) niêm yết mới. Đây là các cổ phiếu quy mô nhỏ và đa phần đã giao dịch trên UPCoM trước đó. Vì thế, với nhiều nhà đầu tư, những cái tên này không hẳn là “hàng mới”.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý đang chờ niêm yết trên HoSE như Viettel Post (VTP), Sữa Mộc Châu (MCM),… cũng đều dưới dạng chuyển sàn từ UPCoM. Trong khi đó, những cái tên từng được chờ đợi sẽ tạo dấu ấn như Nova Consumer (NCG), Tôn Đông Á (GDA), VNG (VNZ),… lại “quay xe” không niêm yết mà chỉ giao dịch trên UPCoM. Ngoài ra, còn hàng chục cổ phiếu bị huỷ niêm yết từ 2 sàn HoSE và HNX do vi phạm các quy định về công bố thông tin, thua lỗ,…
Chất lượng hàng hoá mới khó cải thiện trong “một sớm, một chiều”
Trong quá khứ, việc tạo hàng hoá mới cho thị trường chứng khoán phụ thuộc khá lớn vào tiến trình cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn. Đáng tiếc, các hoạt động này đều rất hạn chế những năm gần đây. Đa phần các doanh nghiệp trong danh sách “chờ”, chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn, cũng có quy mô nhỏ tại các địa phương.
Những cái tên thực sự thu hút nhà đầu tư chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước cũng có nhiều vướng mắc và vẫn chưa hẹn ngày lên sàn. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk, DOJI,… Những cái tên này cũng chưa có kế hoạch niêm yết trong tương lai gần.
Những vấn đề tồn tại trên sẽ khó thay đổi trong “một sớm, một chiều” và chất lượng hàng hoá mới sẽ khó được cải thiện trong tương lai gần. Thực tế cho thấy, sau các giai đoạn bùng nổ hoạt động niêm yết mới 2006-08 và 2016-18, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhiều năm không có “bom tấn” nào thực sự. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất cân bằng trong cơ cấu thị trường kéo dài nhiều năm.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản (theo hệ thống phân ngành GICS) trên TTCK Việt Nam chiếm tổng tỷ trọng đến hơn 57% vốn hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc,… Nếu so với các thị trường hàng đầu trên thế giới, tỷ trọng này của Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn. Đây là một trong những rào cản khiến việc đa dạng các sản phẩm đầu tư trở nên khó khăn.
Danh mục của các quỹ đầu tư chủ động lớn đa phần đều là những gương mặt quen thuộc. Các bộ chỉ số tham chiếu cho các quỹ ETF cũng tương tự nhau với cơ cấu chủ yếu gồm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Nhà đầu tư gần như không có lựa chọn khác. Điều này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó hấp dẫn dòng vốn ngoại và thiếu động lực đi lên dài hạn.