Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin cách đây một thời gian đã thu hút sự chú ý đến thực tế là kể từ đầu năm nay, 25 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR).
Ông Mishustin gọi việc phát triển tuyến giao thông nói trên là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nga. Theo giới phân tích Mỹ, hoạt động của Moskva ở Bắc Cực khiến các nước phương Tây cảm thấy lo sợ. Ý kiến trên được đưa ra trong bài phân tích đăng trên ấn phẩm Oilprice.
“NSR trải dài 5.600 km từ Murmansk đến Vladivostok dọc theo bờ biển Bắc Cực và Thái Bình Dương của Nga. Tuy vậy điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường gây khó khăn cho việc sử dụng tuyến đường".
"Việc điều hướng ở khu vực phía Đông của NSR, từ Taimyr đến Eo biển Bering là không thể vào mùa đông nếu thiếu những tàu phá băng hộ tống, bởi vì độ dày băng ở đó có thể lên tới 3 mét”, các nhà quan sát của ấn phẩm Mỹ cho biết.
Các nhà phân tích của tờ Oilprice tuyên bố rằng lợi thế thương mại chiến lược chính của Tuyến đường biển phía Bắc đối với Liên bang Nga là nó đi hoàn toàn qua vùng nội thủy của nước này, vì vậy Moskva không lo ngại sự can thiệp từ bên ngoài, khác biệt hẳn so với những cửa ngõ khác của Nga dẫn đến những đại dương trên thế giới.
Nhận thấy những lợi ích tiềm năng từ việc phát triển tuyến đường này, bất chấp những khó khăn đi kèm, vào tháng 8 năm 2022, Chính phủ Nga đã phê duyệt một văn kiện chiến lược để phát triển NSR cho đến năm 2035. Mosva đã phân bổ các khoản đầu tư vào tuyến giao thông nói trên với số tiền 28,75 tỷ USD.
“Điều thú vị là việc sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc sẽ không chỉ giới hạn cho các thương gia và vận tải hàng hải của Nga. Vào tháng 11, Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) đã phê duyệt sửa đổi luật cho phép tàu nước ngoài sử dụng NSR”, các nhà phân tích cho biết.
Sở hữu đội tàu phá băng khổng lồ giúp Nga nắm giữ lợi thế lớn trên Tuyến đường biển phía Bắc.
Trong bối cảnh diễn ra những hoạt động tích cực của Nga xoay quanh NSR, các quốc gia thuộc Liên minh quân sự NATO ngày càng cảm thấy lo lắng về diễn biến nói trên.
Ngoài mối quan tâm ngày càng tăng của Moskva đối với tiềm năng thương mại của khu vực, kể từ năm 2005, Nga đã mở lại hàng chục căn cứ quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực, hiện đại hóa hải quân và đang phát triển tên lửa siêu thanh thế hệ mới.
Phương Tây rõ ràng không muốn khu vực Bắc Cực rộng lớn, giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược bị Nga kiểm soát hoàn toàn, cho nên họ đang chuẩn bị nhiều bước đi nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực này.
Nhưng trước mắt sẽ rất khó khăn để NATO đủ khả năng chen chân vào NSR cũng như Bắc Cực, trở ngại chính của phương Tây là họ đang thiếu trầm trọng tàu phá băng cỡ lớn, trong khi đây lại là thế mạnh của Nga.
Bất chấp việc Mỹ đã lên kế hoạch đóng mới nhiều tàu phá băng nguyên tử, nhưng đó là viễn cảnh của tương lai, còn trước mắt rõ ràng NATO và phương Tây vẫn bất lực khi chứng kiến Nga gia tăng ảnh hưởng của mình.
Theo OilPrice