“Hoàng Xuân Vinh xứng đáng danh hiệu Anh hùng Lao động hơn ngành thể thao”

Đăng Huỳnh |

Đó là ý kiến của ông Hoàng Vĩnh Giang - Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á, người đầu tiên có ý kiến đề xuất Nhà nước cân nhắc trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Cũng theo ông Giang thì đó là danh hiệu dành cho cá nhân Xuân Vinh, còn ngành thể thao ông Giang chưa đề cập đến ở đề xuất này.

Thưa ông, căn cứ vào tiêu chí nào mà ông đề xuất danh hiệu Anh hùng Lao động cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh?

- Từ trước đến nay, ngành TDTT chưa bao giờ có được vinh dự như vậy, đó là mơ ước của những người làm thể thao đã về hưu như tôi, hay những thế hệ trước có người đã nhắm mắt rồi đều không được hưởng vinh quang đó.

HCV của Hoàng Xuân Vinh cực kỳ giá trị và quan trọng. Nó đưa TTVN lên tầm của Đông Nam Á. Lịch sử từ 1959-2008, 10 nước Đông Nam Á mà giờ thêm Đông Timor thì chưa có nhiều HCV Olympic, chỉ vẻn vẹn 13 chiếc. Việt Nam dù trong top 3 SEA Games nhưng lại ở đẳng cấp dưới vì không có HCV Olympic, bản thân tôi cũng hơi tủi khi đi họp.

Thế nhưng khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV, Việt Nam đã không còn kém đẳng cấp của các nước Đông Nam Á, nó cũng đưa Việt Nam vào hàng trung bình khá của thế giới dựa trên bảng tổng sắp huy chương. Với 1 HCV và 1 HCB, Xuân Vinh quá xứng đáng Anh hùng.

Khoảnh khắc của Hoàng Xuân Vinh đã nâng tầm của dân tộc. Vinh quang lắm chứ, anh hùng lắm chứ, xứng đáng lắm chứ. Nếu tôi không đề xuất thì sợ còn lâu mới có người đề xuất phần thưởng xứng đáng này cho Hoàng Xuân Vinh để cho ngành, và Việt Nam có thêm danh hiệu anh hùng.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã xin danh hiệu Anh hùng Lao động cho toàn ngành thay vì cá nhân anh ấy. Ông nghĩ sao về điều này? Ông có cho rằng ngành thể thao xứng đáng với danh hiệu đó?

- Hành động của Hoàng Xuân Vinh rất đáng khen ngợi, một người vừa lập nên chiến công, xứng đáng anh hùng nhưng rất khiêm tốn. Tôi không thể nói ngành thể thao xứng đáng hay không.

Nhưng tôi đề xuất cá nhân Hoàng Xuân Vinh chứ không phải là tập thể ngành thể thao, còn với ngành thể thao thì tôi nghĩ cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, nhất là hoàn thành những mục tiêu ở ASIAD 2018 và đặc biệt là Olympic Tokyo 2020, nếu ngành thể thao gặt hái thêm nhiều thành tích cao thì sẽ xứng đáng cho danh hiệu anh hùng.

Ngành thể thao cũng như xã hội cần làm gì để tôn vinh những “thần tượng thể thao” như Hoàng Xuân Vinh, để họ là tấm gương cho thế hệ trẻ chứ không chỉ còn là cơn sốt rồi qua đi, thưa ông?

- Ở các nước XHCN như Trung Quốc, Liên Xô trước đây hay Bulgaria…, họ thường có hình thức tôn vinh những cá nhân, tập thể có công đóng góp cho đất nước và những sự kiện có tầm cỡ đáng tự hào của dân tộc.

Về thể thao họ có Công viên vinh quang Olympic. Ở Việt Nam, năm 1999 ông Hoàng Văn Nghiên - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lúc đó - đã ký quy hoạch Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bao gồm 192ha cho T.Ư và 55ha cho việc xây dựng trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội (quy hoạch 1/2000).

Trong Khu liên hợp Mỹ Đình có đầy đủ chức năng do đề xuất của ngành thể thao để đăng cai tốt SEA Games 22, trong đó có 1 khu khoảng 5ha để tôn vinh các thành tựu của ngành thể dục thể thao, đồng thời để giải phóng làm thông thoáng sân vận động trung tâm khi có những kỳ cuộc lớn, tránh những sự cố chen lấn gây ách tắc không kiểm soát nổi.

Hy vọng ý tưởng này sẽ được cân nhắc triển khai trong tương lai không xa. Đây là mô hình rất tự hào của ngành thể thao Việt Nam từ trước đến nay. Công viên đó dự kiến sẽ ghi lại những sự kiện to lớn, những thành tích của các VĐV đẳng cấp thế giới như Hoàng Xuân Vinh và các vận động viên trong tương lai.

Tôi cho rằng “cơn sốt” Hoàng Xuân Vinh sẽ không tắt ngay đâu, nó sẽ là nguồn động viên cho ngành TDTT phát triển nhiều hơn nữa.

Đấu trường Olympic là cao nhất, vinh quang và tự hào nhất nhưng nó không phải là tất cả và duy nhất. Vì TTVN trên con đường tiến lên còn phải trải qua đấu trường SEA Games, ASIAD mới đến Olympic và nhiệm vụ hội nhập trong khối ASEAN và châu lục cũng vô cùng quan trọng.

Ông Hoàng Vĩnh Giang (sinh 1946) là một nhà hoạt động thể thao nổi tiếng tại Việt Nam. Ông hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam. Năm 2006, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp to lớn đối với thể thao Việt Nam và là người đầu tiên trong ngành thể dục thể thao được phong tặng danh hiệu này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại