Hoang tàn dự án nuôi bò nghìn tỷ

Văn Thành |

Dự án nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú có mức vốn đầu tư ban đầu hơn 2.600 tỷ đồng nhưng sau một thời gian triển khai thực hiện, dự án không mang lại hiệu quả nên giảm mức đầu tư xuống còn 100 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án này vẫn không thể hoạt động và bị bỏ hoang cho đến nay...

Lãng phí khổng lồ từ hàng nghìn ha đất dự án bỏ hoang ở Hà Nội Nhiều dự án bỏ hoang gây bức xúc cho người dân

Tháng 1/2016, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư thực hiện Dự án Trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), trên diện tích 1.500ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.

Dự án nhằm phát triển chăn nuôi tạo thành trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo mô hình trang trại, tập trung, chuyển giao kỹ thuật cho ngành chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương... Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng chuồng trại, nhập bò về và trồng cỏ.

Thế nhưng, sau một thời gian triển khai, dự án vẫn không mang lại hiệu quả, bị bỏ hoang một thời gian. Đến đầu năm 2018, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho điều chỉnh quy mô của dự án xuống còn 71ha, vốn đầu tư cũng giảm từ hơn 2.600 tỷ đồng xuống còn 100 tỷ đồng.

Năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định điều chỉnh chủ trương dự án này sang dự án “Trang trại heo giống - Trang trại chăn nuôi Quảng Phú”, với mức đầu tư 254 tỷ đồng, trên diện tích gần 71ha. Mặc dù vậy, dự án nói trên vẫn không thể tiếp tục triển khai mà bị bỏ hoang cho đến nay.

Hoang tàn dự án nuôi bò nghìn tỷ - Ảnh 1.

Những hình ảnh hoang tàn, xuống cấp tại dự án.

Chia sẻ với chúng tôi, bà HJoe (trú tại thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) cho biết, trước thời điểm dự án được triển khai, bà vẫn canh tác trên 2ha đất do gia đình khai phá trước đó.

“Với 2ha đất trồng hoa màu, cây công nghiệp thì mỗi năm gia đình mình cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai, gia đình bị thu hồi đất và chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn 5 triệu đồng/ha.

Điều đáng nói là sau khi thu hồi đất, dự án chỉ được triển khai xây dựng một thời gian rồi dừng hẳn, bỏ hoang cho đến nay. Trong khi người dân thiếu đất canh tác thì dự án lại bỏ hoang, gây lãng phí đất đai”, bà HJoe bức xúc.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Phan Tâm (cùng trú tại thôn Phú Xuân) cho hay, gia đình ông có 5,7ha đất (trong đó có 3,7ha trồng mì, 2 ha trồng môn), mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, toàn bộ diện tích đất của gia đình bị thu hồi và chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha và sau đó được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/ha. “Sau khi bị thu hồi đất, nhiều người dân không có đất để canh tác. Trong khi đó, dự án công ty thu hồi để trồng hoa màu”, ông Tâm bức xúc nói.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho hay, ngay từ khi triển khai, dự án đã gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Do đó, dự án có quy mô thu hồi đất ban đầu là 1.500ha nhưng thực tế chỉ thu được 71ha. Sau đó, thấy việc thu hồi giải phóng mặt bằng khó khăn nên chủ đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giảm quy mô dự án.

Còn ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, về nguồn gốc đất do lâm trường quản lý đã thu hồi được hơn 70ha. “Đây là dự án theo chủ trương của tỉnh, về phía địa phương cũng mong muốn dự án đi vào hoạt động để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng dự án còn có nhiều bất cập như: Nguồn nước thiếu, nguyên liệu trồng cỏ không bảo đảm, bò nhập từ Úc về không phù hợp khí hậu nên dự án hoạt động không hiệu quả... dẫn đến dự án bị bỏ hoang một thời gian”, ông Hùng nói.

Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Quý (cán bộ hỗ trợ pháp lý ở Đắk Nông - thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho hay, dự án Trang trại nuôi bò chất lượng cao Quảng Phú có quy mô ban đầu 1.500ha nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, UBND huyện Krông Nô cưỡng chế một lần nhưng không thành nên dự án chỉ gói gọn có gần 71ha và không mang lại hiệu quả nên đã được điều chỉnh sang dự án nuôi heo.

“Do bò nhập từ Úc về không phù hợp với khí hậu; đất đai không có nhiều; vùng nguyên liệu không có nên việc đầu tư của dự án không mang lại hiệu quả.

Về chủ trương điều chỉnh dự án, UBND tỉnh đã có quyết định, hiện nhà đầu tư đang thuê tư vấn hoàn chỉnh thiết kế để trình cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông thẩm định. Sau khi xong, chủ đầu tư mới tiến hành triển khai xây dựng đồng loạt”, ông Quý nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại