Hoang tàn di tích lăng mộ thân mẫu vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn

NGUYỄN VƯƠNG/VTC News |

Di tích Điện Thoại Thánh là khu lăng mộ và điện thờ bà Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn (thân mẫu Gia Long - vị vua đầu tiên của triều Nguyễn).


Điện Thoại Thánh - thuộc Quần thể di tích lăng Vua Gia Long (xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là khu lăng mộ và nơi thờ tự thân mẫu của vua Gia Long - bà Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn. Đây cũng là công trình lăng mộ, thờ tự có ý nghĩa quan trọng trong Quần thể di tích Cố đô Huế.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, Điện Thoại Thánh là công trình kiến trúc lăng tẩm tương đối có quy cách, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và trang trí…gồm có cả lăng (nơi chôn) và tẩm (nơi thờ) nằm gần nhau. Đây là lăng của mẹ vị vua đầu triều Nguyễn (vua Gia Long) và cũng là lăng của một bà Hoàng Thái Hậu được xây dựng sớm nhất dưới triều Nguyễn.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử với biết bao biến cố và chiến tranh, đến nay di tích Điện Thoại Thánh gần như chỉ còn là đống đổ nát (ngoại trừ một đoạn tường và cổng vòng ngoài di tích mới được trùng tu). Từ trên cao nhìn xuống toàn di tích gần như phủ kín cây xanh và cỏ dại.

Theo các nhà nghiên cứu, Lăng Thoại Thánh hình vuông, có tường thành cao hơn 3m bao quanh thành nhiều lớp, trước cửa lăng có 4 sân tầng lát gạch, các sân chầu được xây dựng theo kiểu sân sau cao hơn sân trước và trên phần cao nhất là bửu thành với cổng chính vào khu vực tẩm mộ. Tuy nhiên, hiện tại gần như đã đổ nát hoàn toàn.

Linh vật chầu hai bên bậc đá lên xuống tại Điện Thoại Thánh bị phủ kín bởi rêu xanh và cỏ dại.

Khu vực sân tầng có bọc tường thấp và bước từ sân này lên sân kia là những bậc cấp hai bên có cặp rồng chầu đối xứng. Tuy nhiên, hiện nay ngoài các hạng mục được phục dựng gần đây thì hầu hết đều cũ nát.

Đường vào khu di tích Điện Thoại Thánh được lát gạch đỏ nhưng đến nay nhiều đoạn cũng hư hỏng nặng, hai bên là cỏ dại và rừng keo, tràm.

Hầu hết các vị trí tường bao chỉ còn là phế tích, gạch vỡ nát.

Chính điện, nơi đặt án thờ bà Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn bị sụp đổ nhiều năm nay, chỉ còn lại nền móng. Đa số bề mặt di tích bị phủ đầy bởi cây cỏ dại.

Một số kết cấu kiến trúc còn sót lại của di tích nằm khuất lấp trong cây cỏ.

Nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, phục hồi thích nghi Điện Thoại Thánh với tổng kinh phí hơn 73 tỷ đồng.

Theo đó, Điện Thoại Thánh sẽ phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng tráng men, bậc cấp lát đá Thanh và phục hồi rồng bậc cấp, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.

Bên cạnh đó, sẽ phục hồi kết cấu bộ khung gồm tiền điện 5 gian 2 chái, chính điện 3 gian 2 chái kẹp, hệ kết cấu gỗ mái gồm đòn tay, rui, diềm, dũi, vân kiên, ván ốp, hệ liên ba, vách ván, dầm trần, sàn,... và các cửa bao che bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện gỗ được chạm khắc hoa, sơn bảo quản, chống mối, sơn son thếp vàng và sơn quang. Mái lợp ngói âm dương tráng men màu vàng, phục hồi bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ, phục hồi các con giống bờ nóc bờ quyết, gia công máng xối bằng đồng....

Dự án cũng sẽ tu bổ lại Hữu Phối Điện, Tả Phối Điện, cổng tam quan, tường nội, bình phong, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật, phục hồi nội thất, tôn tạo cảnh quan, cây xanh xung quanh.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án trùng tu di tích Điện Thoại Thánh nhằm phục hồi, tu bổ một trong những công trình lăng mộ, thờ tự có ý nghĩa quan trọng trong Quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích lăng Vua Gia Long và tránh nguy cơ công trình sẽ trở thành phế tích trong tương lai. Theo dự kiến, dự án sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm.

Nguyễn Thị Hoàn (1736-1811) tên hiệu Ý Tĩnh Khang hoàng hậu hay Hiếu Khang hoàng hậu là chính thất phu nhân của Nguyễn Phúc Luân, mẹ đẻ của vua Gia Long. Sau khi lên ngôi, Gia Long tôn bà làm Hoàng thái hậu, trở thành Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn. Bà có vai trò quan trọng trong việc động viên vua Gia Long, gây dựng cơ nghiệp triều Nguyễn.

Theo các tài liệu lịch sử, bà Nguyễn Thị Hoàn là người ôn nhu và yêu thương mọi người, vua Gia Long cũng rất kính hiếu với bà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại