Theo thông tin từ phía ngân hàng, ngày 30/11 tới, Agirbank sẽ bán đấu giá khách sạn Tre Xanh của CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (HNX: CTC) với giá khởi điểm hơn 80,66 tỷ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đưa ra đấu giá toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh, Tre Xanh Plaza, Hầm đậu xe, cổng tường rào và các thiết bị đi kèm công trình xây dựng với tổng diện tịch sàn 14.339 m2 tại số 18 Lê Lai, phường Tây Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Trong đó, khu A có 9 tầng, còn khu B có 10 tầng gồm các phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, phòng hội nghị...
Đồng thời, còn có 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất diện tích 216,7 m2 thuộc thửa đất số 17 tờ bản đồ số 84 và thửa đất số 79 tờ bản đồ số 84 tại hẻm Lê Lai, tổ 1, phường Tây Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra còn 1 nhà tạm được xây dựng trên 2 thửa đất được sử dụng làm nhà kho của khách sạn, nhà hàng Tre Xanh. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa đất số 24 hẻm 34 Lê Lai, tổ 1, phường Tây Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Khách sạn Tre Xanh
CTCP Gia Lai CTC (CTC) có tiền thân là Công ty phát hành phim và chiếu bóng Gia Lai được thành lập vào năm 1978. Sau nhiều giai đoạn phát triển, đến năm 2004, công ty cổ phần hoá, đổi tên thành CTCP Văn hoá du lịch Gia Lai - Gia Lai CTC.
Các lĩnh vực hoạt động của Hoàng Kim Tây Nguyên bao gồm: Du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, thương mại, nhà sách,...
Trong đó, Tre Xanh Plaza là một tổ hợp dịch vụ du lịch gồm khách sạn 63 phòng tiêu chuẩn 3 sao, khánh phòng sang trọng sức chứa từ 500-1000 thực khách, phòng hội nghị, hội thảo được trang bị hiện đại sức chứa từ 100-500 chỗ, cùng với các dịch vụ karaoke, cà phê, thương mại, giải trí...
Thời kỳ ăn nên làm ra, công suất phục vụ phòng tại Tre Xanh luôn đạt tỷ lệ 75%, các nhà hàng tiệc cưới tại đây luôn kín chỗ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và trong suốt mùa cưới, là thương hiệu tiệc cưới uy tín hàng đầu ở tỉnh Gia Lai.
Đáng nói, CTC là rất quan trọng đến việc làm thương hiệu, ngay từ năm 2007, công ty đã đăng ký nhãn hiệu Phố núi dành cho lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, cà phê, giải khát với Cục Sở hữu trí tuệ.
Về mạng lưới du lịch, Công ty có Công viên Đồng Xanh tại Thôn 5, xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, nơi đây cũng từng là địa điểm du lịch đông khách tham quan khi mới mở cửa. CTC thường xuyên ký hợp đồng với các công ty du lịch lữ hành như Vietravel, Công ty du lịch Chợ Lớn, Hoà Bình, Hoàn Mỹ - TP. HCM… để đưa khách tham quan du lịch Tây nguyên và ngược lại.
Về hoạt động phát hành sách, năm 2007, theo bản công bố thông tin, CTC là doanh nghiệp phát hành sách có mạng lưới hoạt động lớn nhất miền Trung và là một trong 10 doanh nghiệp phát hành sách hàng đầu của Việt Nam. Năm 2007, nguồn thu từ phát hành sách từng chiếm hơn 60% doanh thu của CTC.
Công viên Đồng Xanh tại Thôn 5, xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Công ty niêm yết trên sàn HNX năm 2008 và từ đó tới nay đã đổi tên 2 lần, lần gần nhất vào tháng 4 năm 2021 với tên gọi chính thức được dùng tới hiện nay là CTCP tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên.
Đổi tên sang Hoàng Kim, nhưng hoạt động kinh doanh của công ty lại không thể rực rỡ hơn. Theo BCTC kiểm toán năm 2021, tại ngày 31/12/2021, công ty có khoản lỗ luỹ kế là 28,9 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 33,6 tỷ đồng. Ngoài ra ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành và các hoạt động kinh doanh khác.
Các yếu tố này nghi ngờ có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động liên tục của công ty. Tuy nhiên, Ban giám đốc công ty đã làm việc với các ngân hàng để gia hạn các khoản nợ vay, tăng cường thu hồi công nợ khó đòi, đồng thời có kế hoạch tăng vốn theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2021. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh lợi thế các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, hệ thống siêu thị nhà sách để đẩy mạnh mảng thương mại hàng hoá siêu thị.
Tuy nhiên, trong năm 2021 CTC vẫn có điểm sáng là lãi được 13,8 tỷ đồng, mức kỷ lục trong các năm hoạt động.
Bước sang 2022, tình hình trở nên khó khăn hơn, CTC trở lại thua lỗ hơn 9 tỷ đồng. Với lỗ luỹ kế hơn 38,1 tỷ đồng và mất cân đối vốn (Hệ số thanh khoản hiện hành 31/12/2022 là 0,69), kiểm toán đánh giá các sự kiện trên cho thấy có yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng vay và nợ tài chính cuối 2022 lên tới 124,7 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nợ phải trả và chiếm 40% tổng nguồn vốn. Đáng nói, công ty sử dụng vốn vay ngắn hạn là chủ yếu, dư nợ lên tới 167 tỷ đồng cuối năm 2022.
Ngoài mất cân đối vốn thì chất lượng tài sản ngắn hạn của CTC gặp vấn đề về thanh khoản. Số dư tiền của công ty cuối 2022 chưa đầy 150 triệu đồng. TSNH nằm tập trung ở hàng tồn kho và khoản phải thu, nhưng ý kiến của kiểm toán 2022 cho biết: Chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến một số khoản công nợ phải thu và phải trả cuối năm theo sổ sách; Công ty cũng chưa trích lập đủ dự phòng phải thu khó đòi trị giá 9 tỷ đồng.
Đến cuối 2022, CTC có 2 khoản vay Agribank ngắn hạn bổ sung vốn lưu động và trung dài hạn đầu tư xây dựng khách sạn, nâng cấp nhà hàng với dư nợ lần lượt là 36,9 tỷ và 14,8 tỷ đồng
BCTC kiểm toán Hoàng Kim Tây Nguyên 2022
BCTC kiểm toán Hoàng Kim Tây Nguyên 2022
Tại thời điểm cuối năm 2022, CTC cũng cho thấy đang nợ quá hạn Agribank số tiền gốc gần 30 tỷ và lãi 7,3 tỷ đồng. Cùng với nợ quá hạn ở BIDV là 27,3 tỷ đồng gốc và 10,2 tỷ đồng lãi. Tổng cộng gốc lãi quá hạn với ngân hàng CTC lên tới 75 tỷ đồng.
BCTC kiểm toán Hoàng Kim Tây Nguyên 2022