Lần lượt từ trái qua: Hoàng tử Harry, nữ công tước Meghan, và nữ công tước Kate trong Hoàng gia Anh. Ảnh: AP.
Meghan có mẹ là người Mỹ gốc Phi còn bố là người da trắng. Khi cặp đôi Meghan và Harry hẹn hò, người ta coi đây là biểu tượng cho một nền quân chủ hiện đại. Nhưng hy vọng này dần tan biến khi nhiều hãng truyền thông Anh có cách đưa tin tiêu cực về cặp đôi này, với những hành động như so sánh Meghan với chị dâu Kate Middleton (người da trắng).
Chính Harry nhận xét rằng báo chí Anh chỉ trích vợ mình với giọng điệu kiểu thực dân còn Hoàng gia Anh thì không có động thái gì để ngăn chặn tình trạng đó.
Quá khứ buôn nô lệ thời xa xưa
Tổ tiên xa xôi của đương kim Nữ hoàng Anh là bà Elizabeth Đệ nhất, người đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng nghề buôn nô lệ ở nước Anh.
Một trong các sáng lập viên của ngành buôn nô lệ Anh vào thế kỷ 16 là “ngài” John Hawkins, người đã gây ấn tượng với Elizabeth I bằng việc bắt giữ 300 người châu Phi. Harry Kelsey, người viết tiểu sử cho Hawkins gọi ông là “Thương lái Nộ lệ của Nữ hoàng Elizabeth I”, và lưu ý rằng chính Nữ hoàng Elizabeth I đã đóng góp tàu của mình cho chuyến viễn dương tiếp theo của Hawkins vào năm 1564.
Năm 2018, Thái tử Charles đã công khai lên án vai trò của nước Anh trong nghề buôn nô lệ, coi đây như một sự tàn ác. Tuy nhiên vẫn có những lời kêu gọi Nữ hoàng Anh đưa ra xin lỗi với tư cách đại diện cho chế độ quân chủ Anh.
Các thành viên trong Hoàng gia Anh năm 2019. Ảnh: AFP.
Nếp nghĩ thực dân còn rơi rớt...
Đế chế Anh bị thu nhỏ sau các cuộc Thế chiến và cuối cùng tan rã vào thập niên 1960. Tuy nhiên, não trạng thực dân dường như không biến mất hoàn toàn.
Tác giả Benjamin T. Jones cho rằng thái độ này được thể hiện khá rõ ở Hoàng tử Anh Philip. Khi thăm Australia vào năm 2002, ông Philip đã hỏi một thổ dân Australia là liệu họ còn ném lao nữa không.
Năm 1986, Hoàng tử Anh Philip cảnh báo sinh viên Anh ở Trung Quốc rằng họ có thể bị ti hí mắt nếu sống ở đây quá lâu.
Australia và Trung Quốc đều từng nếm trải chế độ thực dân Anh.
Mặc dù các bình phẩm của vị Hoàng tử này được cho chỉ là những lời bông đùa không thú vị lắm, trên thực tế chúng lại gắn với cuộc chiến văn hóa, cho rằng chủ nghĩa thực dân là điều tốt, giúp khai hóa văn minh trên thế giới.
Nhà báo Peter Tatchell lập luận rằng thể chế quân chủ Anh tự nó là phân biệt chủng tộc như nó vốn thế và có thể sẽ vẫn chỉ gồm các vị quân vương da trắng.
Nhà báo này dự báo: “Một người không phải da trắng bị loại bỏ khỏi việc nắm giữ tước hiệu nguyên thủ, ít nhất là trong tương lai gần. Đây là sự phân biệt sắc tộc ở cấp độ thể chế”.
Cậu con trai Archie của Harry và Meghan đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách kế ngôi nên gần như không có khả năng cậu sẽ trở thành vua của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ý tưởng cậu bé cận kề với ngai vàng vẫn khiến “người ta” lo ngại. Việc Meghan không được bảo vệ trước các đòn công kích do phân biệt sắc tộc đã chỉ ra một vấn đề có tính hệ thống.
Hoàng gia vẫn yên lặng
Cây bút Benjamin T. Jones cho biết, Hoàng gia Anh vẫn cơ bản yên lặng về lịch sử chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Anh và việc hoàng gia này từng thu lợi như thế nào từ chế độ thực dân và tình trạng phân biệt sắc tộc.
Sau khi cái chết của người da màu George Floyd ở Mỹ làm dấy lên phong trào Black Lives Matter, Hoàng gia Anh lặng thinh về phong trào này.
Còn nước Anh, với tư cách một xã hội, đang phải trải qua một tranh luận toàn quốc đầy khó khăn về quá khứ đế quốc của mình.
Hiện nay bức tượng của các chủ nô ở Anh đang bị kéo đổ và các nỗ lực đẩy mạnh “phi thực dân hóa” đang tăng tốc ở đây. Phong trào của người dân Anh đang tiến nhanh hơn thực tiễn bên trong Hoàng gia Anh./.