Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc nợ: Chọn phương án nào?

Phương Hà |

Với khoản nợ lên đến hơn 32.642 tỷ đồng, nhiều chuyên gia nhận định, số phận tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện chỉ còn trông chờ vào giải pháp chuyển nợ thành vốn góp của DN như nhiều các ngân hàng trước đây vẫn làm.

Liệu phương án này có khả thi và HAGL sẽ thoát khỏi gánh nặng nợ hàng chục ngàn tỷ đồng đang gánh trên vai?

Chủ nợ lớn nhất là ai?

Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL ở mức 32.642 tỉ đồng, tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây chính là mối lo ngại lớn của cổ đông cũng như nhà đầu tư đối với HAGL.

Nợ ngắn hạn cuối năm xấp xỉ 12.800 tỉ đồng, tăng 35% so đầu năm, trong khi tài sản ngắn hạn là 13.153 tỉ đồng (tăng 36%). Hàng tồn kho tăng mạnh gần 1.600 tỉ đồng sau 1 năm, ở mức 3.650 tỉ đồng …

BIDV và Cty chứng khoán BSC đã thu xếp phát hành trái phiếu cho HAG lên đến 10.715 tỷ đồng, hiện đang là chủ nợ lớn nhất. Tiếp sau là Eximbank với khoản cho vay dài hạn là 3.156 tỷ đồng.

Theo đó, 2 nhóm chủ nợ này chiếm hơn 52% tổng dư nợ vay của HAGL tại thời điểm cuối năm 2015. Ngân hàng liên doanh Lào Việt chiếm khoảng 17% dư nợ vay của HAGL.

Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai còn có các chủ nợ khác như Bắc Á Bank, Sacombank và HD Bank.

Theo các chuyên gia, có lẽ Hoàng Anh Gia Lai đang đứng trước nhiều thách thức như các mảng kinh doanh chính không mấy khả quan, trong khi phải gánh món nợ nhiều nghìn tỷ.

Năm 2015, HAGL liên tiếp gặp khó trong hoạt động kinh doanh, tài chính.

Những kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tập đoàn lấn sân đa ngành trong chu kỳ kinh tế mới đang đặt ra sức ép lớn khi hiệu quả chăn nuôi bò, cao su, mía đường và cả bất động sản đều có dấu hiệu giảm sút ?

Ngày 19/4/2016 cổ phiếu của tập đoàn đã xác định mức đáy kỷ lục: 6.700 đồng/cổ phiếu (CP).

Tính ra, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai đã giảm rất sâu trong vòng 1 năm qua, ở mức sụt giảm hơn 70% và đang ở ngưỡng thấp nhất tính từ khi HAGL lên sàn vào năm 2008.

Theo đánh giá của Cty chứng khoán HVS Việt Nam, nguyên nhân chính là khoản nợ phình to do tập đoàn này mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Tái cơ cấu nợ – phương án nào khả thi?

Theo ước tính của Cty Chứng khoán VPBS, 50% nợ dài hạn của HAGL sẽ đến hạn trả vào năm 2016 – 2017.

Vì vậy, mới đây các ngân hàng đã ngồi lại với nhau, đồng ý sẽ tái cơ cấu một số khoản nợ cho HAGL.

Việc chủ trì xử lý nợ của Hoàng Anh Gia Lai được giao cho BIDV, cũng là chủ nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai.

Song, hiện các ngân hàng chưa quyết định cụ thể các khoản nợ sẽ được tái cơ cấu thế nào.

Ông Nguyễn Văn Hải – Chuyên viên tín dụng BIDV cho biết, hiện lãi suất với nhiều khoản vay trong các năm trước của HAGL là trên 11%/năm.

Nay dự kiến Hoàng Anh Gia Lai sẽ được giãn tiến độ trả nợ (thay vì trả trong năm năm có thể lên tới bảy năm) và lãi suất có thể giảm xuống 6,5 – 7% (Với các khoản nợ đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực được nhà nước khuyến khích).

Khi đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ giảm được ít nhất cả ngàn tỉ đồng chi phí lãi vay/năm.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Hoàng Anh Gia Lai cần được tái cơ cấu nợ?

Theo các chuyên viên tín dụng, nếu đưa các khoản vay này vào mục nợ có vấn đề trên bảng cân đối của các ngân hàng thì Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải chịu lãi suất phạt, cao hơn lãi suất thường rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu một khoản nợ của tập đoàn ở một ngân hàng bị đưa vào danh mục nợ xấu thì theo quy định, nợ của HAGL ở tất cả các ngân hàng đều bị coi là nợ xấu.

Theo đó, HAGL sẽ không được vay tiếp. Bản thân các ngân hàng cũng căng thẳng bởi tổng nợ của Hoàng Anh Gia Lai ở các ngân hàng theo thống kê chưa đầy đủ lên tới 32.642 tỷ đồng.

Trước những diễn tiến này, Hoàng Anh Gia Lai cần tái cấu trúc để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.

Còn nhiều lo ngại

Cho đến thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai tạm thời còn cơ hội với các chủ nợ, song nhiều câu hỏi quan trọng đặt ra với HĐQT và ban điều hành là sẽ làm gì để giảm nợ vay?

Với số nợ hiện nay lên tới hơn 32. 642 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu nên có nhiều yếu tố gây rủi ro.

Hoàng Anh Gia Lai hiện đang đầu tư ở rất nhiều lĩnh vực, trong khi sản phẩm chủ lực, nguồn thu chính lại không rõ ràng.

Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, xét về tiêu chuẩn tài chính, khoản nợ này quá lớn, và nguyên tắc khi một Cty tăng nợ liên tiếp nhiều năm, tỷ số nợ ngày càng cao hơn mức tiêu chuẩn an toàn, và số nợ tuyệt đối lớn thì đó là rủi ro.

Do vậy, chuyện HAGL có đủ sức vượt qua khủng hoảng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng, bởi chỉ có ngân hàng mới tính được chuyện giãn nợ, khoanh nợ, tái cơ cấu cho Hoàng Anh Gia Lai.

Tại VN, từ năm 2014 biện pháp chuyển nợ xấu thành cổ phần đã được đưa ra nhằm giúp xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Thay vì chỉ tập trung vào các danh mục đầu tư tài chính, các chủ nợ nên tham gia vào việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…

Theo TS Nguyễn Đức Thành- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, khi kinh tế suy giảm thì sự khó khăn phản ánh vào tài sản của DN, do vậy, các khoản DN vay ngân hàng cũng khó có khả năng trả nợ là điều tất yếu và nợ xấu gia tăng.

Vì vậy, HAGL cũng không nằm ngoại lệ đó…

Thực tế cho thấy, đã có nhiều thương vụ chuyển nợ thành cổ phần được tiến hành thành công tại VN như SHB sở hữu 50% vốn điều lệ tại Bianfisco, VietA Bank trở thành cổ đông lớn nhất 11% tại Cty Đất Xanh …

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chuyển nợ thành vốn góp được xem là một giải pháp xử lý nợ.

Thực tế cho thấy, chuyển nợ thành vốn góp đơn giản là việc một ngân hàng thay vì thu hồi tiền nợ đã cho DN vay sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính cổ phần DN.

Khi đã là cổ đông, ngân hàng là chủ nợ sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công tác quản lý, hoạch định phương hướng sản xuất kinh doanh, vực dậy DN, họ thoát khỏi tình trạng nợ nần mới có cơ hội để thu hồi nợ hay nói cách khác là “nuôi” con nợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển nợ thành vốn góp chỉ là biện pháp mang tính tạm thời đối với DN và chủ nợ là các ngân hàng.

Vì để đạt hiệu quả cho cả 2 bên, nhất thiết phải đi kèm với biện pháp tái cấu trúc, quản lý và định hướng phát triển DN.

Ngoài ra, cũng còn nhiều e ngại cho rằng việc mua nợ của DN dưới hình thức vốn góp cũng sẽ gặp những rào cản về pháp lý như việc hạn chế đầu tư ngoài ngành hay tỷ lệ khống chế room 11% đầu tư ngân hàng vào một DN.

Đó là chưa kể đến vấn đề duy trì một thông lệ giải quyết nợ xấu khó mang tính triệt để.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại