Là ông bố thị dân Hà Nội điển hình, tôi luôn tranh thủ mọi ngày lễ để đưa con trai 8 tuổi đi chơi. Tết Nguyên đán, tôi đèo con lên phố xem đào, xem mai, ngắm quang cảnh nhộn nhịp quanh hồ Gươm và ăn kem Tràng Tiền. Tết Thiếu nhi 1/6, tôi cùng con đến công viên, nơi tổ chức nhiều gian hàng cho trẻ nhỏ và mua cho bé vài quyển sách đem về. Trung thu là dịp vui nhất, hai bố con lên phố Hàng Mã để chọn những món đồ chơi lấp lánh đủ sắc màu.
Nhưng với dịp Halloween, thấy xung quanh nhộn nhịp, tôi cũng muốn đưa con đi chơi hoặc tham gia đêm hội nhưng ngần ngại vì cảm thấy những hình ảnh kinh dị xuất hiện với mật độ cao ở các điểm vui chơi dịp này không phù hợp với trẻ, như những bộ xương với đầu lâu lủng lẳng nhe răng, những xác ướp quấn vải trắng loang lổ máu, những nhân vật ma quái có gương mặt mà người lớn cũng hết hồn...
Một tối gần Halloween năm ngoái có việc đi qua Hàng Mã, nhìn các bạn trẻ hăng hái đi lại, chụp ảnh trong tạo hình hóa trang và những bộ đồ, mặt nạ được treo bán, tôi còn giật mình nữa là các bé. Tôi sợ con nhìn thấy những thứ này sẽ sợ hãi, ám ảnh cả năm, nên quyết định sẽ chỉ ở nhà.
Điều tôi thấy khó hiểu là trên phố hay các sự kiện được tổ chức dịp này, nhiều phụ huynh dắt theo con nhỏ được hóa trang theo phong cách rùng rợn. Trên mạng xã hội cũng vậy, nhiều người khoe ảnh con họ được bố mẹ hoặc thầy cô hóa trang thành những gương mặt thần chết, xác người với đôi mắt thâm đen ám ảnh hay ma quỷ với máu me đầy miệng.
Người lớn thì không sao, nhưng "ma quỷ hóa" những đứa trẻ mà tâm hồn còn như tờ giấy trắng thì có gì hay ho, tốt đẹp? Thật ngược đời khi nhiều phụ huynh luôn ngăn con tiếp xúc với phim kinh dị vì sợ ảnh hưởng tâm lý, nhưng lại hồn nhiên hóa trang cho con thành con quỷ hung ác, hay dắt con đến những nơi có những màn "biến hình" rợn người.
Tôi biết động cơ của họ rất đơn giản, chỉ là tham gia một hoạt động nhiều người hưởng ứng để cảm thấy hòa nhập với đám đông. Thời của mạng xã hội, theo kịp mọi hoạt động "hot" của cộng đồng là một nhu cầu, và họ càng phấn khởi khi hình ảnh con trẻ được họ hóa trang gây ấn tượng với bạn bè trên mạng. Vui đấy, nhưng niềm vui này chỉ là chốc lát, nhưng ảnh hưởng xấu đến trẻ em sẽ lâu dài, dù có thể không nhìn thấy ngay.
Ở lứa tuổi này, tâm hồn và tâm lý của trẻ còn rất non nớt, mong manh, những yếu tố rùng rợn, kinh dị có thể tạo vết đen của nỗi sợ hãi và đôi khi là cả khuynh hướng bạo lực. Ở giai đoạn cần được tiếp xúc với những gì đẹp đẽ, trong sáng, thánh thiện, những hình ảnh quái dị, máu me mang tính chất hù dọa có thể làm méo mó thế giới quan của các cháu.
Theo một nghiên cứu của Roberto Olivardia, giảng viên tâm lý tại Đại học Y khoa Harvard, Mỹ, cứ 100 trẻ nhỏ thì có một em mắc hội chứng sợ mặt nạ và gần 50 em mắc hội chứng sợ bóng đêm. Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương, kinh hãi vì khả năng nhận diện khuôn mặt rất yếu, não bộ vẫn trong giai đoạn phát triển nên chưa hoàn toàn phân biệt được thật - giả, vì thế những nỗi sợ có thể theo chúng đến tuổi vị thành niên.
Có thể nhiều người sẽ bảo, trẻ con Tây cũng hóa trang ma quỷ dịp Halloween có sao đâu! Nhưng trẻ em ở những nước có truyền thống tổ chức Halloween lớn lên trong một nền văn hóa khác, tiếp nhận lễ hội này một cách toàn diện, "ngấm" câu chuyện và ý nghĩa của nó, nên yếu tố rùng rợn không dễ dàng gây hại. Còn Halloween vào Việt Nam chủ yếu ở khía cạnh hóa trang hù dọa, trẻ nhỏ sẽ khó mà cảm nhận ý nghĩa gì ngoài những hình tượng có thể gây khóc thét vì sợ hãi.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên cho trẻ em chơi Halloween, mà là đối với trẻ nhỏ, nên thận trọng và có chọn lọc. Các buổi tiệc hóa trang dành cho trẻ nên hướng đến những hình ảnh vui nhộn, tinh nghịch như "chú ma nhỏ dễ thương", bà tiên, hoàng tử, siêu nhân... thay cho những tạo hình máu me, xác chết với đầu lâu..
Nếu như các điểm vui chơi Halloween chỗ nào cũng toàn hình ảnh ghê rợn, bạn cũng không nhất thiết phải dẫn con trẻ đến đó. Thiếu gì những chỗ, những trò chơi phù hợp với các thiên thần nhỏ!