Theo The Guardian, các thợ săn hóa thạch đã tìm thấy xương của một loài khủng long thuộc chi ankylosaur (thằn lằn hợp nhất) cổ nhất và kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên dãy núi Middle Atlas ở Morocco.
Ankylosaur là một nhóm ''khủng long bọc thép” đặc trưng của kỷ Phấn Trắng (145-66 triệu năm về trước), tuy nhiên hóa thạch mới cho thấy con ankylosaur này cổ xưa hơn rất nhiều các anh chị em họ: Nó tận 168 triệu tuổi và là một loài chưa từng được biết đến.
Tiến sĩ Susannah Maidment từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, hóa thạch gồm 4 chiếc gai nhọn lớn như những chiếc sừng, được hợp nhất vào xương sườn của con quái vật, hoàn toàn khác với các ankylosaur khác, thậm chí là đặc điểm chưa từng có trong vương quốc động vật.
4 mẫu vật kết nối với nhau cho thấy một đoạn gai nhọn mọc trên lưng quái vật cổ đại, gắn trực tiếp vào xương sống.
“Điều này rất kỳ lạ. Thông thường, lớp gai ở các loài thuộc chi stegosaurus (thằn lằn mái nhà) và ankylosaur gắn vào da chứ không gắn vào khung xương. Ở hóa thạch vừa được phát hiện, gai không chỉ nằm trên khung xương mà còn hợp nhất với xương sườn", Tiến sĩ Susannah Maidment, phân tích.
Các nhà nghiên cứu tại bảo tàng đã mua lại hóa thạch từ một nhà sưu tập tư nhân. Ban đầu, họ cho rằng mẫu vật thuộc về một loài stegosaurus mới đã được xác định vào năm 2019 ở cùng khu vực. Tuy nhiên khi quan sát dưới kính hiển vi, các nhà khoa học tìm thấy mẫu sợi đặc biệt chỉ có ở chi ankylosaur.
Theo Daily Mail, hóa thạch bất thường đến nỗi ban đầu các nhà khoa học đã nghĩ nó là... đồ giả, phải xác minh bằng CT scan. Kết quả kiểm tra cho thấy hóa thạch này không có dấu vết của việc bị can thiệp bởi con người.
Nhóm nghiên cứu cho biết với niên đại và những đặc tính khác biệt của con ankylosaur vừa được phát hiện, một khoảng trống lớn trong sự hiểu biết về lịch sử tiến hóa khủng long đã được lấp đầy.
Hóa thạch có niên đại cách đây khoảng 168 triệu năm, giữa kỷ Jura. Điều này khiến đây là một trong những loài ankylosaur xuất hiện sớm nhất trên Trái Đất. Bà Maidment tin rằng hóa thạch này có thể thuộc về một loài ankylosaur cổ đại sau này tiến hóa thành các loài ankylosaur khác hoặc một loài ankylosaur hoàn toàn mới.
Bức vẽ về một con ankylosaur.
Không chỉ là hóa thạch ankylosaur cổ nhất được biết đến đây còn là hóa thạch đầu tiên được tìm thấy ở châu Phi. Ankylosaur là chi khủng long ăn cỏ có xương sọ dày, cứng. Cơ thể chúng phủ gai và đuôi hình quả chùy. Những con ankylosaur có thể dài tới 7m, nặng 4 tấn. Hầu hết hóa thạch của chi này được phát hiện ở Mỹ, Canada và có niên đại từ 74 đến 67 triệu năm trước. Song hóa thạch với 4 chiếc gai nhọn khổng lồ lại được khai quật ở Morocco, một quốc gia ở Bắc Phi.
Khám phá mới cho thấy họ hàng khủng long bọc thép này đã phân bố toàn cầu chứ không phải chỉ một số khu vực như suy nghĩ trước đây. Bên cạnh đó, sự hiện diện sớm của con quái vật vào kỷ Jura cũng làm dấy nên giả thuyết rằng chính họ nhà ankylosaur là nguyên nhân tuyệt chủng của loài stegosaur, vốn xuất hiện trước đó.
Trước đây các nhà cổ sinh vật học cho rằng stegosaur gần tuyệt chủng thì ankylosaur mới ra đời, nhưng hóa thạch 168 triệu tuổi này cho thấy 2 loài đã cùng tồn tại trong 20 triệu năm và có thể đã cạnh tranh khốc liệt với nhau.