Hóa thạch khủng long được tìm thấy 50 năm trước không phải của loài ăn thịt như nhận định trước đây

Đình Toán |

Một hóa thạch dấu chân của khủng long được tìm thấy khoảng 50 năm trước đây không phải là của loài khủng long ăn thịt như các nhà khoa học kết luận trước đây. Theo nghiên cứu mới, dấu chân là của một loài khủng long ăn thực vật.

Tác giả chính của nghiên cứu mới, Anthony Romilo, trợ lý kỹ thuật tại Trường Hóa học và Khoa học sinh học phân tử Đại học Queensland (Australia) đã làm việc với nhóm nghiên cứu quốc tế để đưa ra tuyên bố trên. Theo đó, dấu chân thuộc về loài Prosauropod, một loài khủng long ăn cỏ. Nhận định mới này của các nhà khoa học đã khiến mẫu hóa thạch trên trở thành bằng chứng duy nhất về loài Prosauropod thuộc kỷ Trias (kỷ Tam Điệp) ở Australia.

Trước đó, hóa thạch được phát hiện trong một mỏ than ở Ipswich, thành phố phía Tây Brisbane (Australia) vào năm 1964. Hóa thạch nằm ở độ sâu gần 200 mét dưới lòng đất. Các nhà khoa học ước tính ở thời điểm đó, sinh vật tạo ra dấu chân này có đôi chân cao hơn 2 mét. Với chiều dài chân như vậy, nó sẽ trở thành loài khủng long ăn thịt lớn nhất kỷ Trias.

Anthony Romilo cũng cho biết thêm: "Tôi biết đến hóa thạch này từ nhiều năm trước và rất ngạc nhiên khi không có sự thống nhất về các chi tiết cơ bản như chiều dài chân hay thậm chí là hình dạng của nó. Những nhà khoa học trước đó đã không thể kiểm tra hóa thạch khi tiến hành nghiên cứu. Điều này buộc họ phải đưa ra kết luận dựa trên các bức ảnh và bản vẽ".

Để có được kết quả nghiên cứu, đồng tác giả Hendrik Klein, chuyên gia về hóa thạch tại Bảo tàng Saurierwelt Paläontologisches ở Đức cho hay, nhiều nhà nghiên cứu đã tạo ra các phôi thạch cao của dấu chân. Sau đó, chuyển sang mô hình 3D để nghiên cứu. "Chúng tôi càng xem xét kỹ về hình dạng, tỷ lệ dấu chân, ngón chân thì càng không thấy chúng giống với các dấu vết do khủng long săn mồi tạo ra. Loài khủng long quái vật này chắc chắn là loài ăn thực vật và thân hiện hơn nhiều", ông Klein nêu.

Đồng quan điểm, ông Romilo nói dấu hiệu cơ bản cho thấy dấu chân đến từ một loài động vật ăn cỏ như Prosauropod là hình dạng của bàn chân. Khủng long săn mồi có các ngón chân chụm lại với nhau. Nhưng các ngón chân của hóa thạch lại xòe ra. Để củng cố tính chính xác của kết luận, ông Romilo đang điều tra thêm các dấu chân hóa thạch khủng long khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Hiện tại, những người đam mê khủng long có thể chiêm ngưỡng hóa thạch trên tại bảo tàng Queensland ở Brisbane hoặc xem qua mô hình 3D trực tuyến. Mỗi con khủng long tạo ra hàng triệu dấu vết trong suốt thời gian nó tồn tại. Vì vậy, chúng để lại nhiều dấu chân hóa thạch hơn so với xương để nghiên cứu. Trong tương lai, sẽ còn nhiều nghiên cứu được công bố về loài động vật bí hiểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại