Nhận mình là một họa sĩ gàn mê lối vẽ cổ điển, cả đời họa sĩ Lý Ngọc Thành chỉ dành để khắc họa một hình ảnh của Sài Gòn đã qua cách đây gần 70 năm. Khi ấy, Sài Gòn bình yên như một làng quê, chứ không nhộn nhịp như sau này.
Sài Gòn chân quê
Họa sĩ Lý Ngọc Thành với tác phẩm về Sài Gòn của ông. Một góc Sài Gòn khiến người xem hồ nghi, nhưng ông cho rằng đây là tác phẩm của mình, ai nghĩ gì tùy họ.
Sài Gòn những ngày nóng như đổ lửa. Không quạt máy, bên cạnh chỉ là ca nước đá để giải khát, lão họa sĩ quần cộc lưng trần cần mẫn vẽ. Những giọt mồ hôi thi nhau rơi xuống trên gương mặt già nua khô khốc.
Đôi tay nhăn nheo tô tô, vẽ vẽ qua từng nét cọ chỉnh chu, mắt rực sáng ở một chi tiết nho nhỏ, ông bật cười thích thú rồi vỗ đét một cái vào đùi khiến người vợ bên cạnh cũng vui lây.
Từ câu chuyện xuất xứ của những bức tranh, ông kể về Sài Gòn của riêng ông bằng giọng sang sảng. Đó là một Sài Gòn rất đỗi bình yên, hữu tình...
“Sài Gòn trong tôi là dòng sông dài chảy quanh những hàng cổ thụ, bên cạnh đó là ánh hoàng hôn tuyệt đẹp rọi xuống những chiếc ghe nhỏ đang neo đậu. Hoặc tôi thích những ngôi nhà nho nhỏ bình yên đón nắng chiều, đôi gánh hàng của chị bán rong…
Sài Gòn của tôi là một bức tranh lạ lùng mà không ai nghĩ đến”, ông nói.
Đúng vậy, lướt qua bức tranh ông đang vẽ dở, không ai nghĩ đó là thành phố hoa lệ đầy xe cộ nhộp nhịp. Nơi đây chỉ có bóng hoàng hôn lung linh theo dòng nước, hai hàng dừa khoe mình diễm lệ, con đò nhỏ mãi còn neo đậu bến xưa...
Nó là ký ức mà Lý Ngọc Thành mơ về - Sài Gòn của những năm 1950.
Ông đi không sót ngõ ngách nào của thành thị, từ Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Chánh,... đến nội thành để sáng tác. Có lẽ vì thế mà hàng ngàn tác phẩm của ông đều mang một nét rất riêng về Sài Gòn.
Sài Gòn là nơi ông sinh ra và lớn lên. Trong ký ức được ông giữ trong tranh mình, là "những con đường thưa vắng lặng. Những chiếc xe đạp cọc cạch xen lẫn tiếng rao thanh thót của các cô bán hàng rong.
Hay tiếng bắn bi cành cạch của lũ trẻ, những mảnh đất hoang vu quanh nhà chúng tôi thường chơi trốn tìm, nóng nực lại nhảy ùm xuống sông đùa giỡn…".
Bức tranh ông vẽ ngôi nhà của mình, khi được hỏi sao nó... khác quá, ông cho biết nghệ thuật cổ điển bao gồm hiện thực và sự bình yên của tâm hồn.
Có lẽ vì thế, nên tranh của ông họa sĩ già chân quê đến lạ, nhiều lúc ông cũng giật mình chấp nhận các tác phẩm của ông quá xa rời thực tại.
Người ta không tin Sài Gòn vốn chân chất đến thế, hay liệu ông chỉ vẽ vời theo sự tưởng tượng mơ hồ rồi gán cho miền đất này một sự bình yên, hữu tình đến nao lòng.
Nhất là khi bước vào ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20 mét vuông, lại có những chiếc xích lô nối đuôi nhau di chuyển trên phố, một quán nhỏ với các cụ già xếp hàng đợi đọc báo khi bắt đầu một ngày mới, hay những con đường mát rượi bóng cây…
Ông cười: “Ai nhìn cũng không tin bức này là Sài Gòn đâu, nhưng lúc tôi 19 tuổi, quả thật phong cảnh ở đây bình yên như thế đó. Bây giờ, tôi chỉ vẽ theo ký ức và cảm xúc của riêng tôi. Mấy mươi năm trước, nội thành vừa đẹp, vừa hữu tình”.
Thà nghèo nhưng không tắt đam mê
56 năm trong nghề, ông không nhớ hết mình vẽ bao nhiêu bức tranh về Sài Gòn, chỉ biết ở mỗi tác phẩm là một tình yêu rời rạc mà ông dành riêng cho nơi này. Nhiều người hỏi mua, ông chần chừ không bán.
Nhưng cuộc sống không cho phép ông ích kỷ với gia đình. Ông tiếc hoài những bức tranh mình tâm đắc, những tác phẩm mà ông vẽ mấy tháng trời mới ưng ý, được chuyển tay với giá vài chục ngàn đồng.
Thế nhưng cuộc sống không có lựa chọn, đến nay ông chỉ giữ cho riêng mình vài bức tranh gắn với tuổi thơ ông. Còn lại, phải bán đi đổi thuốc thang cho vợ, cái ăn cho hai đứa con không được nhanh nhẹn của mình.
Hơn 10 năm nay, cuộc sống của họa sĩ Lý Ngọc Thành khó khăn hẳn khi tranh cổ điển không còn được ưa chuộng nữa. Gia đình người họa sĩ già sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm quý tài nghệ của ông.
Ông chỉ vẽ tranh khi có cảm hứng và luôn đặt hết tình cảm của mình vào mỗi tác phẩm. Bức tranh này vẽ hơn một tháng ông vẫn chưa hài lòng.
Thấy ông nghèo, có người hỏi mua một bức tranh của ông với giá 250.000 đồng. Ông lấy làm tức giận. Thế nhưng với người tri âm, ông Thành sẵn sàng tặng không tranh của mình cho họ.
“Thời đại bây giờ, rất ít người cảm được tranh cổ điển, tranh của tôi họ càng không hiểu. Giờ đây người ta vẽ tranh khác lắm, họ vẽ như sao chép chứ không chăm chút về nghệ thuật. Đó chỉ là nghề vẽ, chứ không phải là họa sĩ”, ông Thành tâm sự.
Ông mang các bức tranh của mình ra phân tích về màu sắc, nét vẽ, rồi buồn buồn cho biết, hiện tại mình cũng bị chi phối về kinh phí, từ một mực chỉ chọn những tuýp màu của Mỹ, Pháp,… bây giờ phải mua bột màu rẻ tiền để vẽ.
Thế nhưng, ông luôn tâm niệm nếu người ta luôn sống với một tâm hồn bình lặng, họ sẽ có những cảm nhận rất riêng về những gì họ trải qua.
Cũng như họa sĩ Lý Ngọc Thành vẽ nên hàng ngàn bức tranh Sài Gòn lạ lẫm mà đến bậy giờ những người có máy ảnh, cũng không thể lưu giữ ký ức đẹp bằng ông.