Hoạ sĩ Lê Duy Ứng mà tôi được biết!

Đại tá Nguyễn Huy Toàn (Nhà nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa quân sự) |

Vẽ chân dung Bác lúc tưởng như mình sắp hi sinh, hoạ sĩ Lê Duy Ứng đã vượt qua tất cả một cách kì diệu để trở thành họa sĩ vẽ và tạc tượng Bác Hồ nhiều nhất.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, Quân đội Sài Gòn chủ trương "tràn ngập lãnh thổ" khắp miền Nam. Riêng ở Quảng Trị, địch tổ chức "Lữ đoàn đặc nhiệm", bao gồm nhiều xe tăng, xe bọc thép và hỏa lực mạnh đi kèm, lợi dụng sóng biển ban đêm, chúng tổ chức lấn chiếm vùng giải phóng Cửa Việt của ta. Đây là hành động vi phạm Hiệp định rất trắng trợn.

Cửa Việt là vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng, đã được ta giải phóng từ năm 1972.

Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Quân đoàn II: Tổ chức lực lượng tiêu diệt quân địch, giữ vững vùng giải phóng Cửa Việt.

Sư đoàn 304 được nhận nhiệm vụ này.

Sư đoàn 304 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 24, phối hợp với một bộ phận Sư đoàn 325 và các lực lượng vũ trang địa phương. Ngay trong đêm tổ chức vây, đánh địch.

Lúc đó, tôi là cán bộ tuyên huấn, làm phái viên Sư đoàn 304 đi với Trung đoàn 24. Còn Lê Duy Ứng là tuyên huấn của Sư đoàn 305.

Trận đánh đó ta đã tiêu diệt gọn Lữ đoàn đặc nhiệm của địch, thu tại trận 10 chiếc xe tăng.

Sau trận đánh, tôi dự hội nghị tổng kết trận đánh, sau đó đi làm công tác thương binh liệt sĩ với Trung đoàn 24. Còn anh Lê Duy Ứng là họa sĩ, nên anh đã ra Cửa Việt vẽ tranh. Chúng tôi gặp nhau và thân nhau từ đó.

Năm 1975, khi đánh vào Sài Gòn, Quân đoàn II thuộc cánh quân phía đông. Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã tổ chức Binh đoàn thọc sâu Bộ binh cơ giới, lấy Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 F304 ngồi trên xe tăng làm lực lượng đột phá; phối hợp với các đơn vị pháo binh, công binh, cao xạ và bộ binh ngồi trên ô tô. Khoảng gần 100 xe tiến vào Sài Gòn.

Ban Tuyên huấn Sư đoàn chúng tôi đi trên hai xe. Xe trước có anh Ngọc Đản báo Nhân Dân, xe tôi có anh Vũ Tạo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

11h30' ngày 30 tháng 4, chúng tôi đều có mặt ở Dinh Độc Lập. Anh Ngọc Đản là người đã chụp được tấm ảnh quý, kịp gửi về đăng báo Nhân Dân. Anh Lê Duy Ứng tuyên huấn Sư đoàn 325 được đi với đơn vị xe tăng, anh ngồi trên xe tăng thứ ba, phía sau Đại đội trưởng. Khi tiến công, địch bắn đứt xích xe tăng. Riêng anh Ứng bị thương và rơi khỏi xe. Lúc tỉnh lại, anh thấy máu ở mắt chảy rất nhiều, anh liền thấm máu mình vẽ lên bức chân dung Bác Hồ, ghi mấy chữ "Ánh sáng - Niềm tin" rồi gấp bức tranh bỏ vào túi, sau đó anh lại ngất đi.

Khi Quân y đưa được anh ra Nha Trang, anh lại ngất đi. Mọi người tưởng anh chết nên đưa vào nhà xác, lúc đó trong nhà xác đã có 4 chiến sĩ, anh vào là 5. Khi tỉnh dậy, anh kêu to: "Nước!". Một chiến sĩ của Trung đoàn 9 F304 lấy nước cho Ứng uống, sau đó đưa anh ra khỏi nhà xác. Khi nhận ra là họa sĩ Duy Ứng, người chiến sĩ này đã trả lại bức vẽ Bác Hồ cho anh (Chả là trước khi đưa anh đi Quân y, người chiến sĩ này thấy áo của Lê Duy Ứng đầy máu, anh đã thay áo cho Ứng. Sau mới thấy trong túi của Ứng có bức tranh, chiến sĩ này đã giữ lại).

Sau một tháng 10 ngày điều trị ở Nha Trang không có kết quả. Trước tình hình đó, ông Lê Yến (bố của Lê Duy Ứng) viết đơn gửi Bộ Y tế đề nghị cho Ứng đi nước ngoài điều trị. Vào thời điểm đó, ta đã gửi yêu cầu đi Y tế các nước: Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Rumani, họ đều trả lời không chữa được, ta đang liên hệ với y tế một số nước khác...

Lê Duy Ứng được đưa về Viện Mắt Hà Nội.

Thời điểm đó, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân chưa phải Giáo sư, ông nói: "Muốn thành công phải trinh sát kỹ, xem cụ thể vết thương và bệnh tình mới quyết định đúng được". Ông giao cho cô Vũ chở Ứng lên Viện Mắt Trung ương để kiểm tra.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân nói: "Hôm nay là ngày mùng 4/10/1982, là sinh nhật tôi. Tôi sẽ mổ một ca đặc biệt bằng tất cả tấm lòng và tình thương yêu của mình".

Ca ghép giác mạc tiến hành từ lúc 3h00' chiều đến 4h00' thì xong. Sáng ngày 5/10, mắt Lê Duy Ứng bừng sáng. Các bác sĩ đứng xung quanh chỉ từng người hỏi Ứng: Ai đây?, Ứng đều trả lời đúng. Mỗi lần trả lời đúng, mọi người đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Lê Duy Ứng từng nói với tôi: Từ năm 1975 đến 1982 là 7 năm tôi sống trong bóng tối. Khi mắt sáng, lần đầu tiên trong đời anh lấy xe đạp đèo con đi chơi bờ hồ Hoàn Kiếm.

Lê Duy Ứng trở lại quân đội.

Chuyện là thế này: Năm 1973, sau chiến thắng Cửa Việt, có sự tham gia của Sư đoàn 325 của Lê Duy Ứng. Sáng hôm sau anh ra hiện trường vẽ tranh. Khi bức tranh sắp hoàn thành, thì có "một người lính già" đứng xem khen đẹp và muốn xin (ông chính là Trung tướng Lê Trọng Tấn - người chỉ huy chiến dịch). nhưng hồi đó ở chiến trường không ai đeo quân hàm, vì vậy Ứng không cho.

Tối hôm ấy, Ban chỉ huy Sư đoàn mời cơm ông Tấn. Trong bữa cơm thân mật, ông Tấn khen: Các anh có cậu họa sĩ trẻ mà vẽ tranh rất đẹp, bức tranh thật có hồn.

Sư trưởng 325 liền cho người xuống gọi Lê Duy Ứng và cầm theo bức tranh lên, rồi ông nói Lê Duy Ứng tặng bức tranh cho Lê Trọng Tấn.

Năm 1982, ông Lê Trọng Tấn (lúc này đã là Đại tướng) biết tin Lê Duy Ứng đã được bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân chữa cho mắt sáng, ông liền cho người đi tìm rồi tổ chức một bữa cơm thân mật, có ông Nguyễn Trọng Nhân dự.

Trong cuộc vui hôm đó, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân hỏi ông Tấn: Có thể cho Lê Duy Ứng trở lại quân đội không?

Ông Tấn nói: Được! Và hỏi Lê Duy Ứng: Năm 1975 khi anh ra quân, Ứng được quân hàm gì?

Ứng nói: Em là cấp B bậc phó!

Ông Tấn: B bậc phó thì tương đương Thiếu úy. Nay nếu Ứng trở lại quân đội (tức là đã qua gần 10 năm - như vậy từ hôm nay đồng chí Lê Duy Ứng sẽ là Đại úy).

Ông Nhân vui vẻ nói thêm: Anh phong luôn thiếu tá cho chú Ứng!

Ông Tấn: Tôi chỉ được phong đến cấp Đại úy, nếu phong cấp tá thì phải lên ông Văn Tiến Dũng.

Khi biết tin Lê Duy Ứng được bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân chữa cho mắt sáng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư riêng cho Lê Duy Ứng (do đồng chí Năng - thư ký của bác Đồng đưa thư).

"Cháu Lê Duy Ứng thân mến!

Tin cháu sáng mắt làm cho bác vui mừng vô hạn! Thật không có tin gì làm cho bác vui như vậy. Cháu sẽ có cuộc sống mới, năng lực mới, thành quả mới trong lao động sáng tạo của cháu. Chúc cháu và gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc".

Sau bức thư cho Lê Duy Ứng, Thủ tướng còn tổ chức một bữa cơm thân mật, mời bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân và Lê Duy Ứng đến ăn cơm. Trong bữa cơm hôm ấy, ông nói: "Đây là tài sản Quốc gia".

Thủ tướng đã tặng bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân một cái xe máy Java. Khi được chuyển ra Hà Nội để điều trị, Lê Duy Ứng đã vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói với Lê Duy Ứng" "Nhạc sĩ Betoven người Đức đã sáng tác những bản nhạc hay nhất trong thời kỳ ông bị điếc cả hai tai. Là họa sĩ, Ứng hỏng mắt hãy biến 10 ngón tay của mình thành 10 con mắt để vẽ tranh, làm tượng".

Được lời của Đại tướng, với nghị lực phi thường anh vẫn say mê vẽ tranh và làm tượng. Anh đã tổ chức được 45 cuộc triển lãm tranh, tượng của mình ở cả trong nước và nước ngoài. Anh còn làm tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vợ chồng anh Ứng đã đem bức tượng đó tặng gia đình tôi.

Năm 2002, Thụy Điển mời anh sang. Họ đưa cho anh một khúc gỗ sồi dài 1,7 m, đường kính 0,35 cm, và yêu cầu anh làm một bức tượng với chủ đề: "Phía sau ánh sáng". Thời điểm này, mắt anh đã mờ nhiều, thật là khó khăn, nhưng anh đã làm một bức tượng: Một người phụ nữ đeo kính, một tay bế con nhỏ, một tay sờ vào mặt con. Quá trình làm tượng, hình ảnh người phụ nữ mù bế con dần dần hiện ra. Những người đứng xem xung quanh đã 3 lần vỗ tay nhiệt liệt. Bức tượng đó Lê Duy Ứng đã tặng cho nước bạn.

*

**

Vài nét về đời tư của Lê Duy Ứng:

Lê Duy Ứng sinh năm 1947, tại Cổ Hiền, Quảng Ninh, Quảng Bình, trong một gia đình nông dân nghèo. Cha là nhà báo và họa sĩ, do đó anh đã bộc lộ năng khiếu hội họa từ nhỏ. Năm học lớp 4 trường cấp I xã Hiền Minh, Ứng đã vẽ được một số tranh, được nhà trường và lãnh đạo xã tổ chức phòng tranh lấy tên là: Xấu nên tránh - Tốt nên làm.

Để được nhận vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, anh đã đi bộ từ Quảng Bình ra Hà Nội. Sau 5 năm học, năm 1973 anh nhập ngũ và được về tTrung đoàn 51, rồi hành quân vào chiến trường, tham gia các chiến dịch Cửa Việt, Đà Nẵng.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris tổ chức lễ trao trả tù binh ở Nhan Biều, Quảng Trị. Một số cán bộ chiến sĩ đang đóng quân ở khu vực Quảng Trị được tham gia, trong đó có đơn vị F325 của Lê Duy Ứng. Ngoài số cán bộ địa phương và anh em bộ đội, còn có 25 cô gái từ Hà Nội được cử vào đây (gồm có y tá, bác sĩ, nấu ăn... để phục vụ anh em được trả tự do).

Họa sĩ Lê Duy Ưng gặp Trần Thị Lê - cô gái Hà Nội 20 tuổi, nhà ở phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Hai người yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên.

Năm 1975, Ứng bị thương nhưng anh không báo cho Lê. Cả thời gian nằm ở Nha Trang suốt một tháng 10 ngày, anh cũng không thư từ gì. Khi Lê biết tin đến thăm Ứng, anh nói: - Em tìm người khác đi! (Vì Ứng sợ mình bị mù thế này sẽ làm cho Lê khổ), nên anh kiên quyết từ chối Lê.

Mặc dù lúc này, Lê đang có một người mới từ Liên Xô về đang theo đuổi, nhưng Lê chỉ yêu Ứng. Cô khẳng định: - Em yêu anh, yêu đến chết! Em muốn làm con mắt cho anh.

Trong lúc đó, bố mẹ và cả gia đình Lê cũng không muốn Lê với Ứng. Vì các cụ nói rằng: "Lấy chồng mù thì khổ lắm!".

Phải một thời gian khá lâu sau, khi Lê nói: - "Anh đừng từ chối em nữa. Cuối cùng anh cũng sẽ có vợ, em có chồng. Nhưng người vợ sau của anh, anh không biết mặt. Khi đẻ con ra, họ bảo nó giống mẹ - giống em thì anh biết mặt em rồi, anh hình dung được, còn lấy vợ khác thì không".

Câu nói từ gan ruột, trái tim của Lê làm cho Ứng hết sức xúc động. Anh đã bật khóc và quay lại với Lê.

Ngày 19/9/1976, được hai gia đình và đơn vị tổ chức lễ cưới.

Ngày 2/7/1977, anh chị đẻ con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Đông Hà để kỷ niệm thời yêu nhau ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Cháu Đông Hà là Trung tá, nay chuyển về công tác ở báo Nhân Dân.

Năm 1982, anh chị sinh cháu thứ hai là Lê Thu Hà, cháu là họa sĩ cùng công tác với anh ở báo Nhân Dân.

Anh Ứng bán được bức tranh cho người nước ngoài, đủ tiền xây ngôi nhà 5 tầng. Tầng 1 + 2 để ở, còn từ tầng 3 đến tầng 5 anh trình bày những tranh, tượng sáng tác của mình theo từng chủ đề.

Năm nay anh đã gần 77 tuổi, nhưng anh vẫn học tiếng Anh. Khi tôi cùng với đài truyền hình đến thăm, anh nói với tôi: Khách nước ngoài đến xem tranh, tượng của anh khá nhiều, nên anh cần có tiếng Anh để tiếp khách.

Có một sự trùng hợp đặc biệt:

Vào năm 1947, họa sĩ Diệp Minh Châu ở trong rừng U Minh, anh lấy máu của mình để vẽ bức tranh Bác Hồ và ba cháu thiếu nhi Trung - Nam - Bắc, rồi đi bộ từ rừng U Minh (miền Nam Việt Nam) ra Việt Bắc để tặng Bác Hồ. Anh nói rằng: Tôi vẽ bức tranh này để tặng "Vị Cha già dân tộc". Có lẽ anh Minh Châu là người đầu tiên gọi Bác Hồ như vậy. Anh Minh Châu sinh năm 1919, năm 1947 vẽ tranh lúc anh 28 tuổi.

Hiện nay tranh được bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và đã được công nhận là "Bảo vật Quốc gia".

Lê Duy Ứng sinh năm 1947, năm 1975 trên đường tiến công giải phóng Sài Gòn, anh bị thương khi ngồi trên xe tăng, trước cửa ngõ Sài Gòn. Anh cũng vừa 28 tuổi, bị hất khỏi xe tăng và bị mù hai con mắt. Khi tỉnh dậy, anh liền lấy máu trong mắt của mình để vẽ bức tranh Bác Hồ, rồi viết hai câu: "Ánh sáng - Niềm tin". Bức tranh đó đang được trưng bày ở Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh.

Hai họa sĩ cùng 28 tuổi, cùng vẽ tranh Bác Hồ. Một người ở trong rừng yên ả, muốn lấy máu của mình ở chỗ nào cũng được. Một người vẽ ngoài mặt trận, lấy máu ở mắt mình khi bị thương, rồi ngất đi, được đồng đội gửi bức tranh, sau trả lại cho họa sĩ.

Bức tranh của Diệp Minh Châu đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Với tư cách là nhà nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa quân sự, có gần 20 năm làm Chủ nhiệm bộ môn Tư tưởng quân sự thuộc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xét công nhận bức tranh Bác Hồ của Lê Duy Ứng cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại