Theo đó, một bản đồ thiên hà mới vừa được các nhà thiên văn Nhật Bản công bố cho thấy, Hệ Mặt Trời chỉ cách khu vực trung tâm dải Ngân Hà khoảng 25.800 năm ánh sáng. Khoảng cách này ngắn hơn đáng kể so với con số 27.700 năm ánh sáng mà Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) chấp nhận năm 1985.
Tuy nhiên, thay đổi này không đồng nghĩa với việc Trái Đất đang tiến gần đến siêu hố đen Sagittarius A* có khối lượng gấp hơn 4 triệu lần Mặt Trời nằm tại trung tâm dải Ngân Hà. Thay vào đó, bản đồ thiên hà mới này giúp xác định chính xác hơn vị trí của hệ Mặt Trời so với các ngôi sao ‘hàng xóm’ xung quanh.
Theo tính toán mới nhất của các nhà thiên văn Nhật Bản, tốc độ quay của hệ Mặt Trời xung quanh trung tâm dải Ngân Hà cũng nhanh hơn so với các tính toán trước đây. Cụ thể, Hệ Mặt trời di chuyển với tốc độ 227km/giây, nhanh hơn 7km so với tốc độ chính thức hiện tại được IAU đưa ra.
Được biết, sự điều chỉnh về mặt số liệu được đưa ra sau hơn 15 năm quan sát liên tục của các nhà khoa học trong dự án thiên văn vô tuyến mang tên VERA.
VERA là viết tắt của VLBI (Very Long Baseline Interferometry) Exploration of Radio Astrometry. Dự án này sử dụng một số kính thiên văn vô tuyến trên quần đảo Nhật Bản, sau đó tổng hợp dữ liệu của chúng để tạo ra khả năng quan sát cực kỳ rõ nét, tới mức có thể nhìn thấy rõ một đồng tiền xu trên bề mặt Mặt Trăng.
Kể từ năm 2000 đến nay, dự án VERA đã giúp tính toán khoảng cách tới các ngôi sao phát ra sóng vô tuyến bằng cách tính thị sai của chúng. Với độ phân giải đáng kinh ngạc, nó quan sát những ngôi sao này trong hơn một năm và theo dõi vị trí của chúng thay đổi như thế nào so với những ngôi sao ở xa hơn.
Sự thay đổi vị trí này sau đó có thể được sử dụng để tính toán khoảng cách của một ngôi sao so với Trái đất, giúp chúng ta xác định độ sáng nội tại của chúng. Một ví dụ điển hình gần đây về điều này là ngôi sao khổng lồ đỏ Betelgeuse, hóa ra lại gần Trái đất hơn các phép đo trước đây. Điều này có nghĩa là nó không lớn và cũng không sáng như chúng ta nghĩ.
Tham khảo Science Alert