Chắc nhiều người vẫn còn nhớ đến năm 2012, khi cả thế giới hồi hộp đếm ngược đến ngày 21/12 để kiểm chứng tin đồn "Ngày Tận thế".
Tất nhiên, do giờ chúng ta vẫn ngồi đây và đọc bài viết này, nên sự kiện ấy đã không xảy ra. Có điều, nó vẫn là một trong những thuyết âm mưu thu hút nhiều người quan tâm nhất trong lịch sử loài người.
Trên thực tế, mỗi khi có sự kiện mang tầm vóc lớn một chút xảy ra là đủ để các nhà "thuyết âm mưu học" phát tán tin đồn.
Những vụ tai nạn có bàn tay của thế lực ngầm đứng sau, con người đặt chân lên Mặt trăng là giả, hay gần đây nhất là NASA đã buộc phải lên tiếng trước thuyết âm mưu cho rằng họ đang sử dụng nô lệ là trẻ em để khám phá sao Hỏa.
Con mắt trên kim tự tháp của tờ 1 USD là biểu tượng của một tổ chức ngầm đối với các nhà thuyết âm mưu học
Đây đều là những tin đồn không hề có căn cứ hay bằng chứng cụ thể, nhưng lại thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Lý do là gì? Qua 2 nghiên cứu gần đây, khoa học tin rằng họ đã tìm ra lời giải.
Theo PsyPost, nghiên cứu đầu được thực hiện trên phạm vi 1000 người, công bố trên tạp chí Social Psychology. Theo đó, những người tin theo các thuyết âm mưu chủ yếu là vì cảm giác "khác biệt so với phần còn lại" - họ luôn có xu hướng cho rằng bản thân đang nắm giữ thông tin mà không ai khác có được.
Ngoài ra, nghiên cứu còn chứng minh được quan hệ ngược lại: những người muốn trở nên đặc biệt cũng có xu hướng tin vào thuyết âm mưu.
"2 nghiên cứu cho thấy những người mong muốn khác biệt sẽ có nhiều động lực để tin vào thuyết âm mưu hơn" - trích lời Anthony Lantian từ ĐH Grenoble Alps (Pháp).
Trong nghiên cứu tiếp theo - cũng trên 1.000 ứng viên, khoa học cũng nhận thấy một kết luận tương tự: người ta tin vào thuyết âm mưu vì muốn khác biệt so với đám đông.
Cụ thể, nghiên cứu thực hiện 3 thí nghiệm và có được các kết luận sau:
- Những người muốn khác biệt sẽ tin theo thuyết âm mưu.
- Các giả thuyết được tin nhiều hơn nếu người nghe được bảo rằng chỉ một nhóm thiểu số tin vào điều đó.
"Cả 2 nghiên cứu đều cho rằng người nghe muốn tin vào các thuyết âm mưu vì mong muốn trở nên khác biệt" - tác giả nghiên cứu Rolan Imhoff và Pia Karoline Lamberty từ ĐH Johannes Gutenberg (Đức) chia sẻ.
Tóm lại sau 2 nghiên cứu này, có lẽ bạn sẽ nghĩ nhiều hơn trước khi tin vào thuyết âm mưu gì đó.
Thuyết âm mưu (conspiracy theory) hay thuyết ngờ vực là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau.
Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích theo đó buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn kinh tế chính trị xã hội.
Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm các chi tiết, dần dần tạo được sức lan toả cực kỳ lớn. Nhiều thuyết âm mưu hiện vẫn còn đang được bàn tán xôn xao mà chưa có hồi kết.
Nguồn: IFL Science