Bài hát "Người lạ ơi" hot hit thời gian gần đây quả thực là một bài hát hay, nhưng cũng khiến nhiều người tỏ ra khá "gắt" khi cho rằng làm gì có kiểu "người lạ" nào đi mượn linh tinh như thế? Hết bờ vai đến nụ hôn, nhỉ?
Chẳng rõ có phải vì "Người lạ ơi" không mà mới đây, các chuyên gia từ tận nước Mỹ xa xôi đã quyết định công bố một nghiên cứu, lý giải tại sao chúng ta lại có thể tin vào một người lạ mặt, chưa gặp gỡ bao giờ.
Người lạ ơi, xin cho em mượn niềm tin
Hãy thử tưởng tượng bạn đến quán cà phê một mình và mang theo máy tính để làm việc. Đột nhiên, bạn muốn sử dụng nhà vệ sinh và muốn một ai đó xung quanh để ý máy tính giúp bạn.
Bạn quan sát thấy người ngồi bên trái mình có vẻ đáng ngờ, trong khi người bên phải lại rất trầm lặng. Vậy bạn muốn nhờ ai trông chừng giùm mình?
Sẽ không có câu trả lời thỏa đáng ở đây, nhưng một nghiên cứu từ ĐH Brown (Mỹ) chỉ ra rằng, việc lựa chọn tin tưởng một người nào đó có thể phụ thuộc vào trải nghiệm trong quá khứ của bạn.
Theo đó, khả năng tin tưởng vào người lạ của mỗi chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc người lạ đó giống thế nào với những người khác mà họ biết, đáng tin cậy hay không đáng tin cậy.
Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng thiên vị vẻ ngoài này là phản xạ "Pavlovian" của các vùng cảm xúc trong não bộ. Để rõ hơn thì một số vùng nhất định của não bộ sẽ có xu hướng tin tưởng vào người lạ nếu khuôn mặt của họ mang nét thân thiện giống với một người quen nào đó.
Phó giáo sư Oriel FeldmanHall - tác giả nghiên cứu từ ĐH Brown cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người lạ sẽ không thể nhận được sự tin tưởng, nếu như họ giống với ai đó đã đừng gây mất thiện cảm trong quá khứ."
Để tiến hành nghiên cứu, FeldmanHall và đồng nghiệp đã mời 91 người tham gia vào một trò chơi tin tưởng. Mỗi người chơi được cung cấp 10 USD để đầu tư với ba "đối tác" tiềm năng khác.
Bất kỳ khoản tiền nào được đầu tư cho đối tác sẽ tự động được tăng lên 4 lần (ví dụ đầu tư 2 đô cho bất kỳ đối tác nào sẽ thu về 8 đô). Khi đó, đối tác có thể chia lợi nhuận với người chơi hoặc giữ lại tất cả.
Kết quả là, người chơi phát hiện ra một đối tác luôn có độ tin cậy cao (luôn chia phần), một người "hơi" đáng tin cậy, và người còn lại không thể tin được (không chia lại tiền).
Ok fine...
Sau khi thu được kết quả với những khuôn mặt đáng tin cậy và không đáng tin cậy, người tham gia sẽ được thử nghiệm trò chơi thứ hai với một nhóm đối tác đầu tư tiềm năng mới, nhưng có vài nét tương đồng với những người ban đầu.
Khi người tham gia được yêu cầu lựa chọn đối tác đầu tư, họ có xu hướng chọn những gương mặt giống với đối tác tin cậy trong trò trước đó.
Khi kiểm tra não bộ, người tham gia cho thấy những vùng não hoạt động khi tin tưởng trong trò chơi đầu tiên cũng sẽ vận hành trong thí nghiệm tiếp theo. Chứng tỏ, não bộ đã "học hỏi" được việc nên tin tưởng ai từ những dữ kiện trong quá khứ.
Elizabeth Phelps, giáo sư Khoa Tâm lý học từ ĐH New York cho biết: "Chúng ta tự định đoạt độ tin cậy của những người lạ, mà không có bất kỳ thông tin trực tiếp hay rõ ràng nào về họ."
"Chúng ta chủ yếu dựa trên việc họ giống với những người từng gặp, ngay cả khi không ý thức được việc giống nhau này.
Điều này chứng tỏ não bộ của chúng ta đã tự nghiên cứu, trong đó các thông tin được mã hóa từ những trải nghiệm quá khứ chỉ dẫn cho những lựa chọn trong tương lai."
Chắc hẳn bây giờ thì các bạn đã hiểu vì sao có vài người lạ lấy được thiện cảm của bạn từ lần đầu gặp mặt còn những người khác thì không rồi nhỉ? Bảo sao mượn được cả nụ hôn lẫn bờ vai?
Nguồn: Live Science