Gần ba tháng sau khi Apple ra mắt các mày Mac sử dụng bộ xử lý M1 và được cả cộng đồng người dùng lẫn các chuyên gia đánh giá cao, Intel cuối cùng đã có một số dấu hiệu phản đòn đối thủ.
Trong một bản trình chiếu được PCWorld chia sẻ mới đây, Intel đã nhấn mạnh những yếu tố được mô tả như một dạng điểm chuẩn mới, nhằm cố gắng chứng minh rằng máy tính xách tay có bộ vi xử lý Core thế hệ thứ 11 mới nhất của mình vượt trội hơn so với máy tính xách tay có chip M1 được thiết kế riêng của Apple.
Nếu chỉ đọc thoáng qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng hóa ra chip M1 của Apple cũng... chỉ thế mà thôi, khi có quá nhiều điểm thua kém bộ xử lý mới của Intel. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ phần miêu tả cụ thể của các tiêu chí này, người dùng sẽ sớm nhận ra chúng là các "điểm chuẩn" được xây dựng và chế tạo một cách vô cùng cẩn thận, thậm chí mang tính vụn vặt và không thực tế.
Đầu tiên, Intel cho biết việc xuất tệp PowerPoint dưới dạng tệp PDF nhanh hơn tới 2,3 lần trên máy tính xách tay Windows được trang bị bộ xử lý Core i7 Thế hệ thứ 11 và RAM 16 GB so với việc hoàn thành tác vụ tương tự trên MacBook Pro 13 inch với chip M1 và 16GB RAM.
Liệu người dùng có bao giờ nghĩ mình sẽ chọn thiết bị này thay vì thiết bị khác, chỉ vì nó chuyển đổi PowerPoint sang PDF nhanh hơn không?
Tiếp đó, Intel cũng chỉ ra rằng phần mềm phóng to ảnh dựa trên AI của Topaz Labs là Gigapixel AI, cũng hoạt động nhanh hơn 6 lần trên hệ thống Core i7 so với M1 MacBook Pro. Nhưng vấn đề là, các ứng dụng của Topaz Labs được thiết kế để tận dụng khả năng tăng tốc phần cứng bên trong bộ vi xử lý của Intel. Rõ ràng, bạn không thể lấy một ứng dụng được tinh chỉnh cho phần cứng của chính mình để rồi đem nó đi so sánh với đối thủ.
Đối với hiệu suất chơi game, các kết quả tuy khác nhau, nhưng Intel lại nhấn mạnh và bắt chặt quan điểm rằng "máy Mac không lý tưởng để chơi game", dựa trên quan điểm nó thiếu hỗ trợ cho "vô số" trò chơi như Gear Tactics, Hitman 2 và một số trò chơi nghe lạ tai khác. Các trò chơi được đưa ra minh họa trên thực tế đều khá "kén người chơi", thậm chí không quá phổ biến với phần đông cộng đồng game thủ.
Chưa hết, sự "khôn khéo" của Intel cũng được thể hiện qua một "bài kiểm tra thời lượng pin trong thế giới thực", để đưa ra kết luận rằng cả MacBook Air M1 và Acer Swift 5 với bộ xử lý Core i7 thế hệ thứ 11 đều đạt được thời lượng pin gần như giống hệt nhau là 10 giờ đồng hồ khi phát trực tuyến Netflix với các tab bổ sung đang mở. Intel cho biết cả hai máy tính xách tay đều được đặt ở độ sáng màn hình 250 nits, với MacBook Air chạy Safari và Acer Swift 5 chạy Chrome để thử nghiệm.
Nhưng điều ít người chú ý tới là Intel trước đó, Intel sử dụng MacBoook Pro cho bài kiểm tra hiệu suất, nhưng lại âm thầm chuyển sang MacBook Air cho bài kiểm tra thời lượng pin. Chưa kể, chính Intel cũng sử dụng một bộ xử lý Core i7 phiên bản khác cho bài kiểm tra này.
Trang web của Apple quảng cáo MacBook Air M1 có thời lượng pin lên đến 18 giờ khi liên tục phát lại nội dung 1080p trong ứng dụng Apple TV với độ sáng màn hình được đặt thành 50% và thời lượng pin lên đến 15 giờ khi duyệt 25 trang web phổ biến trong Safari qua Wi-Fi, với độ sáng màn hình cũng được đặt thành 50%.
Cuối cùng, Intel cũng nói thêm rằng bộ vi xử lý của họ không chỉ vượt trội về hiệu suất mà còn về cả sự lựa chọn, khi chúng có thể cung cấp năng lượng cho tất cả các loại thiết bị từ máy tính xách tay truyền thống đến máy tính bảng hỗ trợ các tính năng như màn hình cảm ứng và cả hỗ trợ nhiều màn hình ngoài. Trong khi đó MacBook Air dựa trên M1 và MacBook Pro 13 inch chỉ hỗ trợ một màn hình ngoài. Nhưng trên thực tế, rõ ràng các hạn chế này có thể được bỏ qua bằng bộ điều hợp DisplayLink, dù đây là một giải pháp không chính thức.
Những điểm chuẩn "không thân thiện"
Trong bài bình luận được chia sẻ trên trang web Six Colors của mình, nhà sáng lập Jason Snell, một người khác có tiếng nói trong cộng đồng công nghệ đã gọi các điểm chuẩn của Intel là "không thân thiện" với M1.
"Nền tảng thử nghiệm không nhất quán, đối số thay đổi, dữ liệu bị bỏ sót và ẩn chứa cả những tiếng kêu đầy sự tuyệt vọng", Snell viết. "Bộ vi xử lý M1 hiện nay là chip cấp thấp dành cho các hệ thống cấp thấp, vì vậy Intel chỉ có một cơ hội nhỏ để so sánh bản thân mạnh mẽ hơn các hệ thống này trước khi các máy Mac cao cấp hơn của Apple xuất xưởng và khiến công việc của họ trở nên khó khăn hơn nhiều."
Chuyên gia Andrew Freedman của trang Tom's Hardware cũng cảnh báo rằng tất cả các điểm chuẩn do nhà cung cấp đưa ra nên được "thêm chút muối".
Còn với Apple, hãng cho biết chip M1 cung cấp hiệu suất trên mỗi watt là hàng đầu trong ngành, với chiếc MacBook Air mới nhất đã vượt trội trong bài kiểm tra điểm chuẩn Geekbench so với mẫu MacBook Pro 16 inch sử dụng chip Intel. Và rõ ràng, đó là một sự so sánh ngang cấp rõ ràng và trực quan, giúp người dùng dễ hình dung nhất.
Và cơn ác mộng của Intel sẽ tiếp tục ập đến với các tin đồn cho thấy Apple sẽ ra mắt các mẫu MacBook Pro 14 inch và 16 inch mới, cùng iMac được thiết kế lại và "nhiều hơn thế nữa" với các bộ xử lý thế hệ tiếp theo vào cuối năm nay.
Tham khảo macrumors