"Ngọn núi lửa" Mai Đức Chung
Trước trận đấu với Campuchia, người ta nhắc nhiều đến ông Mai Đức Chung với hình ảnh một ông thầy chịu thương chịu khó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vào lúc "dầu sôi lửa bỏng", dù có quyền nghỉ ngơi sau thành công rực rỡ cùng đội tuyển bóng đá nữ ở SEA Games 29.
Đặc trưng nhất của HLV lão làng này là hình ảnh cặm cụi nhặt từng chiếc áo bib, gom từng quả bóng cho học trò sau buổi tập, ngượng nghịu ký tặng người hâm mộ hay nép mình, nhường sự quan tâm cho các học trò "ngôi sao"...
Nhưng ông Chung không hiền, nhất là trong các quyết định liên quan đến chuyên môn. Ông có thể không gọi Phí Minh Long và Mạc Hồng Quân lên tuyển nếu muốn "dĩ hòa vi quý", không muốn bị chất vấn phủ đầu từ "lãnh đạo" ngay trong ngày ra mắt. Nhưng ông đã không làm thế...
Và trên sân Olympic ở Phnom Penh, HLV Mai Đức Chung thực sự là một ngọn núi lửa phun trào, khi làm đa số người hâm mộ nước nhà ngạc nhiên với lựa chọn của mình.
Bỏ Xuân Trường, Tuấn Anh và Văn Toàn - những cầu thủ được mặc định là những ngôi sao sáng dưới thời HLV Hữu Thắng trên băng ghế dự bị, Thay Văn Thanh, thay nốt Công Phượng, "quét" sạch bóng quân bầu Đức khỏi đội hình, phi ông Chung, không ai dám làm như thế.
Dù có đồn đoán hay đặt bất cứ giả thiết nào đi nữa, thì tuyển Việt Nam dưới tay ông Chung đã thắng, dù chật vật và may mắn, thì cũng là 3 điểm trọn vẹn và người được quyền lên tiếng không ai khác - phải là ông Mai Đức Chung.
Trao đổi với người viết trước ngày lên đường sang Campuchia, HLV Mai Đức Chung đánh giá Campuchia rất mạnh, đánh giá rất tốt "quân bầu Đức" và thấu hiểu sự khó khăn khi cầu thủ của mình vừa trải qua khoảng thời gian dài không được thi đấu. Vậy điều gì khiến vị HLV này đưa ra quyết định có thể dẫn đến sự phẫn nộ lên đến cực điểm của người hâm mộ nếu ĐTQG Việt Nam không vượt qua được Campuchia?
Campuchia chẳng như xưa
Người hâm một Việt Nam hẳn đều đã từng nghe đến chuyện ĐTQG Campuchia mạnh lên trong thời gian gần đây. Nhưng mạnh ra sao, mạnh đến mức nào thì rất ít người biết, trừ việc "ăn may" Afghanistan - đội bóng hòa 1-1 với Việt Nam. Và tất nhiên, chẳng mấy ai nghĩ Campuchia "đủ trình" so sánh với Việt Nam, như lịch sử vài chục năm qua vẫn thế.
Hẳn nhiên, Campuchia chưa thể được so sánh ngang ngửa cùng Việt Nam, nhưng vào năm trở lại đây, họ có những bước tiến cực kỳ đáng nể. Không chỉ là sự tình cờ của "một dàn sao" như lứa U19 của bầu Đức, mà sức mạnh của Campuchia đến từ việc làm bóng đá căn cơ và chuyên nghiệp.
Campuchia đã mạnh lên nhiều trong những năm qua.
Vài năm qua, giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia Campuchia vận hành cực kỳ vững vàng, thêm vào đó, những học viện bóng đá ở khắp cả nước đang cống hiến cho nền bóng đá của họ những tài năng thực sự. Đó mới là lý do bóng đá đang có sức thu hút mãnh liệt ở quốc gia từng "đội sổ" Đông Nam Á này, như đã từng kích thích tình yêu của người Việt Nam khoảng hai chục năm về trước.
Vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa bóng đá Việt Nam và Campuchia. Nhưng trên sân Olympic ở thủ đô Phnom Penh tối 5/9, hàng loạt yếu tố như lực lượng, thể lực, sân bãi, tinh thần... đã cân bằng khoảng cách ấy. Đấy là lý do Việt Nam phải cực kỳ chật vật mới có được thắng lợi may mắn. Và quan trọng nhất, trong khi Campuchia tiến lên từng ngày, thì Việt Nam bỏ hẳn một khoảng thời gian không hề nhỏ để "chờ" đối phương.
18 tháng quẳng vào sọt rác
Cả HLV Mai Đức Chung, lẫn cựu HLV trưởng ĐTQG Việt Nam Toshiya Miura đều không hề ghét bỏ "quân bầu Đức". Thậm chí cả hai HLV này đều đánh giá những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn, Văn Thanh... là những "viên ngọc quý" của bóng đá Việt Nam. Chỉ có điều, ngọc quý đôi khi cũng do người dùng.
Ông Miura "hạn chế" dùng "quân bầu Đức", bởi HLV người Nhật này biết rõ điểm yếu ở thể lực và lối chơi của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... và muốn những ngôi sao U19 ngày nào được trui rèn, va chạm ở CLB trước khi được tung hô khi lên ĐTQG, sau một vài trận thắng các đội bóng yếu. Ông Miura mất chức, điều đấy đã trở thành hiện thực.
Ông Mai Đức Chung cũng có lý khi bỏ Xuân Trường, Tuấn Anh và Văn Toàn ngồi ngoài ở trận đấu với Campuchia, bởi ở một trận đấu nhịp độ cao và cần tranh chấp, thể lực yếu sẽ khiến những vị trí đấy trở thành gánh nặng cho toàn đội.
Trong cơn say với mục tiêu vàng SEA Games, người ta quên đi một Tuấn Anh chỉ vừa mới dứt chấn thương, một Xuân Trường chưa bao giờ mạnh về tranh chấp và tốc độ, một Công Phượng từng phải nằm vật xuống sân vì không thể thở nổi sau trận đấu với CLB Hà Nội trên sân Hàng Đẫy. Mười tám tháng tại vị, HLV Hữu Thắng đã tạo nên ĐTQG vận hành xung quanh các cầu thủ HAGL, trong khi bản thân họ đang bị "chín ép".
Mười tám tháng ấy, bóng đá Việt Nam giậm chân tại chỗ để xưng tụng, ca ngợi thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, mang lại cảm giác thỏa mãn cho người hâm mộ, nhưng chỉ là trước những đội bóng yếu. Mười tám tháng ấy, lần lượt các đội tuyển của HLV Hữu Thắng thất bại nặng nề trước các đối thủ ngang cơ và mạnh hơn, cuốn sạch đi những lời khẳng định hùng hồn của bầu Đức.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sai lầm duy nhất của HLV Mai Đức Chung ở trận gặp Campuchia là sử dụng Công Phượng, và đấy là dấu ấn rõ nhất chỉ ra sai lầm suốt 18 tháng qua của HLV Hữu Thắng. Trước Campuchia có thể hình tốt và chịu khó tranh chấp, tất cả những gì Phượng thể hiện là những pha rê dắt "tối như hũ nút" giống hệt ngày nào, khi tiền đạo này mới có 19 tuổi.
Trên thế giới, chỉ có duy nhất một cầu thủ được phép chơi như Công Phượng - Messi, và dù cho đối thủ chỉ là Campuchia, tiền đạo người Nghệ An đã chứng minh rằng lối chơi ấy cần thay đổi. Không chỉ riêng Phượng, mà cả lối chơi mà bầu Đức và HLV Hữu Thắng chọn cho đội tuyển Việt Nam phải thay đổi - đấy mới là điều đáng mừng nhất trong chiến thắng trước Campuchia.
Bởi, lối chơi của một ĐTQG không thể được định hình bởi "quân" của chỉ duy nhất một CLB, dù cho đó là HAGL. Cũng bởi, thành công của những Hoàng Anh Tuấn, của Vũ Hồng Việt với các đội tuyển trẻ Việt Nam đã chứng minh đâu mới là lối chơi phù hợp với các cầu thủ Việt Nam.
Sẵn sàng chưa, HLV Hoàng Anh Tuấn?
Suy cho cùng, trong "ván cờ" 18 tháng ấy, bầu Đức cũng chỉ là quân cờ khi đặt cược tất tay sinh mệnh bóng đá của mình vào Hữu Thắng và thua trắng chiếu. Nhưng đằng sau ấy, những người quyết định trao toàn bộ đội tuyển vào tay bầu Đức, tay HLV Hữu Thắng chẳng nhẽ lại không phải gánh chút trách nhiệm nào?
Cuộc chơi với bầu Đức và Hữu Thắng, cùng lứa cầu thủ HAGL đã kết thúc. Lại thêm lần nữa, bóng đá Việt Nam "làm lại từ đầu". Chọn ai ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng là quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả. Đây là lúc những người như giám đốc kỹ thuật VFF Jurgen Gede, như HLV Hoàng Anh Tuấn phải cùng ngồi lại, vạch ra hướng đi dài hơi cho bóng đá Việt Nam.
Sóng gió đã ở lại phía sau, giờ là lúc những chuyên gia có tâm, có tầm của bóng đá Việt Nam thôi "tụ thủ bàng quan" như kỳ SEA Games vừa rồi, đứng dậy chung tay đấu tranh cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Và quan trọng nhất, phải lên tiếng để tránh thêm một cuộc "đổi chác" khác, như 18 tháng trước đã từng.