Hòa Phát vẫn đứng trên Vingroup, THACO 'bay' khỏi Top 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023

Ngọc Điệp |

Vingroup đã đứng thứ nhất 5 năm liên tiếp kể từ năm 2017-2021 trước khi để mất ngôi vào tay Hòa Phát.

Hòa Phát vẫn đứng trên Vingroup, THACO bay khỏi Top 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 - Ảnh 1.

Ngày 17/11/2023, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Trong Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm nay, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục giữ vững vị trí số 1. Kể từ năm ngoái, Hòa Phát đã vượt qua Tập đoàn Vingroup để dẫn đầu Bảng xếp hạng này.

Đứng thứ 2 là Tập đoàn Vingroup. Vingroup đã đứng thứ nhất 5 năm liên tiếp kể từ năm 2017-2021 trước khi để mất ngôi vào tay Hòa Phát.

Hòa Phát vẫn đứng trên Vingroup, THACO bay khỏi Top 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 - Ảnh 2.

Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Vietnam Report)

Từ vị trí thứ 6 trong năm ngoái, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã leo 2 bậc lên vị trí thứ 4 trong năm nay, đứng sau CTCP Đầu tư Thế giới di động, đổi vị trí cho Tập đoàn Masan.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng leo 2 bậc từ vị trí thứ 10 lên thứ 8. Tập đoàn Thành Công giữ nguyên vị trí thứ 9, trong khi Tập đoàn Trường Hải năm ngoái đứng thứ 8 nhưng năm nay không lọt top 10.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đứng ở vị trí thứ 10.

Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 cho thấy tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.

Hòa Phát vẫn đứng trên Vingroup, THACO bay khỏi Top 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023 - Ảnh 3.

Phần lớn các nhóm ngành chính trong bảng xếp hạng có sự tăng trưởng trở lại về doanh thu so với bảng xếp hạng năm trước ngoại trừ nhóm ngành Xây dựng, Thép và Cơ khí. Cùng thời điểm này năm ngoái có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của doanh nghiệp Xây dựng, Thép khi bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng lao đao, nhu cầu tiêu thụ thép chậm ở cả trong nước và thế giới khiến cho các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề dẫn kết quả năm 2022 giảm sút. Ngược lại, ngành Khoáng sản, xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ bảng xếp hạng năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất bảng xếp hạng trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành Tài chính.

Năm 2023, những thách thức dai dẳng và sự chậm lại của nền kinh tế đã tạo ra áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài (biến động trên chính trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, chính trị, quân sự) và khó khăn nội tại (nền kinh tế mở phụ thuộc vào bên ngoài, mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, các điểm nghẽn trên nhiều thị trường từ bất động sản cho đến trái phiếu…), GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Xét giai đoạn 2011-2023, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng của 9 tháng các năm 2020 và 2021 (hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh).

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt so với kết quả khảo sát cách đây một năm. Ở chiều ngược lại, trong số các doanh nghiệp cho biết có sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đa số ở mức tăng nhẹ. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm chưa đầy 5%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại