Theo thống kê của chúng tôi, tại thời điểm 31/12/2021, có 20 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền trên 10.000 tỷ đồng. (Tiền bao gồm: Tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn).
Trong số đó, Hòa Phát từ vị trí thứ 3 năm ngoái đã vươn lên vị trí số 1 năm nay, với lượng tiền hơn 40.000 tỷ đồng.
Quán quân tiền mặt năm ngoái là Vingroup năm nay tụt xuống vị trí thứ 4, với khoảng 26.400 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác sở hữu lượng tiền mặt trên 1 tỷ USD có ACV, GAS, FPT và Vinamilk. Như vậy, số doanh nghiệp sở hữu 1 tỷ USD đã tăng từ 3 lên 6.
Hòa Phát cũng là doanh nghiệp có lượng tiền mặt tăng mạnh nhất năm qua, khi tăng thêm gần 19.000 tỷ đồng. Đứng sau là Masan, khi tiền tăng 14.400 tỷ đồng, lên gần 1 tỷ USD.
Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền tăng hơn 9.000 tỷ năm qua, là Masan Consumer Holdings, FPT và Gelex.
Với lượng tiền khổng lồ, hầu hết các doanh nghiệp chỉ để một lượng nhỏ tiền mặt trong tài khoản, còn lại phân bổ vào gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) hoặc kỳ hạn trung bình (3-12 tháng).
Thống kê trong 6 doanh nghiệp có lượng tiền trên 1 tỷ USD, lượng tiền mặt chỉ là 23,2 nghìn tỷ đồng trong khi tổng tiền đầu tư tài chính ngắn hạn cao gấp 6 lần, lên tới 124 nghìn tỷ đồng. Vingroup là doanh nghiệp duy nhất phân bổ "tiền mặt" nhiều hơn so với "các khoản tương đương tiền" và "đầu tư tài chính ngắn hạn".
Tại ACV, 98% tiền của Tổng công ty này nằm ở đầu tư tài chính ngắn hạn.