Cụ thể, Hòa Phát bị phạt tiền 112,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đối với hành vi không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Đến thời điểm tháng 5/2024, Hòa Phát có 09 thành viên Hội đồng quản trị nhưng chỉ có 02 thành viên Hội đồng quản trị độc lập, không đảm bảo số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định (tối thiểu 20%).
Hòa Phát hiện là công ty có vốn điều lệ lớn thứ 3 sàn chứng khoán Việt Nam với gần 64.000 tỷ đồng, sau 2 ngân hàng VPBank và Techcombank. Tại thời điểm lập danh sách họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, tập đoàn này có đến gần 166.000 cổ đông, giảm khoảng 13.000 cổ đông so với một năm trước.
Trên thị trường, cổ phiếu HPG đang dừng ở mức 28.300 đồng/cp, tăng gần 12% so với đầu năm. Giá trị vốn hóa thị của Hòa Phát tương ứng đạt 181.000 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong danh sách các công ty niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, sau Vietcombank, BIDV và FPT.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành thép ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.900 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ 2023. Với kết quả này, Hòa Phát đã thực hiện 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Trong báo cáo mới đây, MBS dự phóng lợi nhuận quý 2 của Hòa Phát sẽ tăng vọt 127% so với cùng kỳ năm ngoái, do sản lượng bán hàng tăng nhờ tiêu thụ thép xây dựng khả quan, giá nguyên vật liệu giảm 15% và chi phí tài chính giảm nhẹ trong bối cảnh lãi vay và tỷ giá hạ nhiệt.