CNBC cho hay, tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo được đưa ra sau khi tổng thống Donald Trump ngày 1/8 thông báo Mỹ sẽ áp thuế quan 10% đối với 300 tỉ USD giá trị hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1/9 tới, bất chấp hai nước vừa khép lại vòng đàm phán mới nhất ở Thượng Hải hôm 31/7 - mà ông Trump đánh giá là "mang tính xây dựng".
"Chúng tôi muốn thương mại tự do và công bằng chứ không phải thương mại làm suy yếu cạnh tranh," ông Pompeo phát biểu ngày 2/8 tại chương trình lãnh đạo trẻ khu vực ở Bangkok, Thái Lan, nơi ông đang tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan.
Theo CNBC, tiếng nói chỉ trích của Mỹ nhằm vào Trung Quốc đã được duy trì xuyên suốt diễn đàn tại Bangkok.
"Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã lợi dụng thương mại... Đã đến lúc phải dừng lại. Tổng thống Trump nói rằng chúng tôi sẽ sửa lại điều này, và để sửa chữa thì đòi hỏi quyết tâm. Đó chính là những gì mọi người chứng kiến sáng nay," ông Pompeo nói, đề cập tuyên bố áp thuế mới của Trump.
Cùng có mặt tại diễn đàn Bangkok, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phản ứng trước báo giới rằng thuế quan mới của ông Trump không phải là một giải pháp đúng đắn để giải quyết cọ xát thương mại giữa hai nước.
Nói về hậu quả gián đoạn kinh tế toàn cầu do căng thẳng Mỹ-Trung gây ra, ông Pompeo cho rằng "đã có những hệ quả tiêu cực từ những hành vi xấu kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc".
Thuế quan áp lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc có thể làm gián đoạn hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu. Vòng đàm phán tại Thượng Hải đã kết thúc với rất ít tín hiệu tiến triển, dù hai nước nhất trí tổ chức vòng đối thoại tiếp theo vào tháng 9 tại Washington.
Trong bài phát biểu ngày 2/8, ngoại trưởng Pompeo tiếp tục mô tả đầu tư của Mỹ như một lựa chọn an toàn, sau khi ông khẳng định với những người đồng cấp ASEAN trước đó rằng Washington sẽ không buộc các đối tác phải "chọn phe" giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Đầu tư của chúng tôi không phục vụ cho một chính phủ, và đầu tư của chúng tôi tại đây không phục vụ một đảng chính trị, hay nói thẳng ra là một tham vọng bá quyền," ông Pompeo nói.
"Chúng tôi không tài trợ cho những cây cầu để lôi kéo lòng trung thành. Mọi người hãy tự hỏi, ai đang thực sự khích lệ sự tự chủ và không phụ thuộc: Những nhà đầu tư đang làm việc để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, hay những người đang gài quý vị vào bẫy nợ?"
Bình luận của ông Pompeo được cho là sự ám chỉ khá rõ ràng nhằm vào Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc - sáng kiến hạ tầng khổng lồ nhằm thúc đẩy liên hệ kinh tế-thương mại và xây dựng phiên bản hiện đại của "Con đường tơ lụa" kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu.
Các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khuôn khổ BRI vấp phải lo ngại ở một số nước đối tác rằng những dàn xếp tài chính mơ hồ này có thể dẫn đến những khoản nợ khó lường, cũng như mục đích đằng sau dòng tiền là để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc hơn là mang lại sự phát triển.
Quan hệ Mỹ-Trung đang có nhiều bất đồng trong các lĩnh vực khác nhau, gồm chiến tranh thương mại, Mỹ trừng phạt tập đoàn Huawei của Trung Quốc, vấn đề Đài Loan, và biển Đông. Dù vậy, ngoại trưởng hai nước thể hiện thái độ tương đối hòa dịu trong cuộc gặp 1-1 tại Bangkok ngày hôm qua.
Tuy nhiên, tại các diễn đàn khác trong khuôn khổ các hội nghị của ASEAN, ông Pompeo tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh. Ông gọi hành động của Trung Quốc ở biển Đông là "cưỡng ép", đồng thời cáo buộc đập nước do Bắc Kinh xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong là nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước và tổn hại các nước Đông Nam Á mà con sông chảy qua.