Một đám mây khói dày đặc đã che phủ khu vực Bờ Tây nhiều ngày qua, trải dài hơn 1.600 km phía trên Thái Bình Dương. Tình trạng cháy rừng nghiêm trọng trong năm nay không chỉ khó kiểm soát mà phạm vi lẫn quy mô còn ở mức độ chưa từng có tiền lệ.
Theo dữ liệu radar, nhiều cơn bão lửa đã bùng phát bởi ít nhất 3 vụ cháy rừng lớn trong 3 tuần qua. Những đám mây tro bụi và khói còn tạo ra sét. Nhiều đám cháy đã tăng quy mô lên gấp nhiều lần chỉ trong vòng 1 ngày và lan xa đến 40 km trong 1 đêm. Trong khi đó, cột khói từ các đám cháy bốc lên cao tận 16 km.
Các nhà khoa học đã cố gắng thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể về những đám cháy với hy vọng giải mã được hoạt động khác thường và dữ dội của chúng. Giáo sư môn khoa học khí quyển Neil Lareau của Trường ĐH Nevada đã lấy dữ liệu từ mạng lưới của Cơ quan Khí tượng Quốc gia (NWS) và tạo ra một mô hình ba chiều của từng cột khói. Ông là người chuyên nghiên cứu những đám mây lửa thường xuất hiện trong các vụ nổ lớn.
Sau khi thiêu rụi gần 8.000 ha rừng tại dãy núi Sierra Nevada, đám cháy Creek mới chỉ được kiểm soát 6% vào ngày 11-9. Vào ngày 5-9, một ngày sau khi Creek bùng phát, cột khói của nó đã bay cao đến 16,7 km, cao hơn so với nhiều cơn giông lốc vẫn thường xảy ra tại các bang Oklahoma và Kansas mỗi mùa xuân.
Những cột khói trên vừa là yếu tố chỉ thị, vừa là yếu tố đóng góp vào tình trạng cháy rừng nghiêm trọng, ví dụ như sự lan nhanh của đám cháy và sự hình thành các xoáy lửa cũng như các hiện tượng khác gây nguy hiểm cho lính cứu hỏa và cộng đồng. Giáo sư Lareau cho biết đây là những cột khói cao nhất mà ông từng chứng kiến.
Được biết, độ cao cực đại của khói là minh chứng về sự lây lan nhanh chóng và mức độ tỏa nhiệt của đám cháy. "Điều này cộng với diện tích rộng của những khu vực bị cháy dẫn đến tổng lượng nhiệt bị đưa vào bầu khí quyển là rất lớn" - tờ The Washington Post trích lời ông Lareau. Ông còn lưu ý rằng đợt nắng nóng kỷ lục tại bang California với nhiệt độ cao chưa từng thấy (49,4 độ C) tại hạt Los Angeles vào ngày 6-9 cũng có liên quan đến "những cột khói cao khủng khiếp".
Lửa tràn ra một con đường ở TP Oroville. Ảnh: AP
Thêm vào đó, radar còn phát hiện ra nhiều cơn lốc lửa trong 3 đám cháy khổng lồ. Cơn lốc lửa đầu tiên được tạo ra từ đám cháy Loyalton ở quận Lassen, bang California còn khiến NWS phải đưa ra cảnh báo lốc lửa đầu tiên vào ngày 15-8.
Trước năm 2020, chỉ có một số ít đám cháy được ghi nhận là tạo ra lốc xoáy lửa tại Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng này lại đang diễn ra cách nhau chỉ 1 hoặc 2 tuần trong thời điểm hiện tại. Ông Lareau nói độ cao khủng khiếp của khói từ cháy rừng, cộng với sự cải thiện của công nghệ giám sát, là các yếu tố dẫn đến việc nhiều cơn lốc lửa được báo cáo trong năm nay, khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Đám cháy North Complex Wet tại khu vực Sierra của bang California có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với đám cháy Carr vào năm 2018. Trận hỏa ngục này từng tạo ra một cơn lốc lửa chết người gần TP Redding và giết chết 3 lính cứu hỏa cùng 5 thường dân. "Tôi nghĩ 2 đám cháy này gần như là bản sao của nhau" - ông Lareau nhận định.
Đám cháy Creek đã tạo ra một số cơn lốc lửa quay theo chiều kim đồng hồ. Điều này trái ngược với hầu hết các cơn lốc xoáy ở Bắc bán cầu. Ông Lareau đang làm việc với các nhà khí tượng học từ NWS cũng như các đồng nghiệp để phát triển một mô hình khái niệm về cách lốc lửa và cột khói này hoạt động.
Ông hy vọng rằng trong tương lai không xa, con người có thể dự báo được những hiện tượng này và đưa ra cảnh báo sớm.