Hoa Kỳ ra mắt bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới

Nguyễn Thuận |

Bảo tàng nghệ thuật NFT đầu tiên trên thế giới vừa mở cửa ở Mỹ nhằm giới thiệu đến công chúng một cơ hội mới để thưởng thức và sở hữu các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới có diện tích hơn 3.000m2 vừa được khai trương tại thành phố Seattle (Washington, Mỹ) với mục đích "kéo lại bức màn về nghệ thuật kỹ thuật số dựa trên blockchain", theo cách mô tả của hãng tin Reuters.

Hoa Kỳ ra mắt bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới được khai trương ở Washington, Mỹ. Ảnh: The Newscrypto

Bảo tàng NFT ra đời nhằm tạo ra không gian cho các nghệ sĩ, người sáng tạo, nhà sưu tập lưu giữ và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật số dựa trên công nghệ NFT, đồng thời hướng tới việc truyền thông và hướng dẫn cho công chúng về thị trường nghệ thuật kỹ thuật số vẫn còn đang khá mới mẻ này.

"Chúng tôi nhận ra tác động của việc thưởng thức loại hình nghệ thuật này theo cách mà mọi người hay gọi là ‘sống chậm’, để từ đó có thể nhìn thấy mọi chi tiết được thể hiện bên trong tác phẩm", Jennifer Wong, người đồng sáng lập và người phụ trách tại Bảo tàng NFT Seattle cho biết.

Hoa Kỳ ra mắt bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới - Ảnh 3.

Bảo tàng NFT thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng và người yêu nghệ thuật. Ảnh: Vincent


Với ông Maksim Surguy, một nghệ sĩ địa phương thì bảo tàng NFT là một giải pháp giúp những người yêu nghệ thuật có thể thưởng thức hay thậm chí sở hữu các tác phẩm nghệ thuật một cách dễ dàng hơn so với trước đây.

Hoa Kỳ ra mắt bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới - Ảnh 4.

Giờ đây, người yêu nghệ thuật sẽ có thêm một phương pháp mới để thưởng thức và sở hữu những tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Ảnh: Seattle NFT Museum


Theo một báo cáo được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets có trụ sở tại Ireland thì thị trường dành cho các sản phẩm NFT được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn 21 tỷ USD chỉ trong năm 2022.

Hoa Kỳ ra mắt bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới - Ảnh 5.

Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Seattle NFT Museum


Hoa Kỳ ra mắt bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên trên thế giới - Ảnh 6.

Có những tác phẩm nghệ thuật dựa trên công nghệ NFT được định giá hàng triệu USD. Ảnh: Seattle NFT Museum

"Một NFT được xem như là một hợp đồng có mã token thể hiện quyền sở hữu tài sản nào đó. Nếu bạn sở hữu mã token này thì bạn là chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm", ông Peter Hamilton, đồng sáng lập bảo tàng Bảo tàng NFT Seattle giải thích.

NFT đã và đang được ứng dụng phổ biến nhất trong các loại nội dung số như âm nhạc, tranh ảnh hay các nội dung nghệ thuật khác.

photo-5

Công nghệ NFT đang dần được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: Vinchen NIU

Ví dụ, khi người họa sĩ bán một bức tranh dưới dạng NFT, người mua sẽ phải trả tiền và trở thành chủ nhân của nó. Những người khác vẫn có thể xem bức tranh, nhưng chỉ người mua mới có quyền sở hữu chính thức.

NFT có tiềm năng vô hạn khi có thể tồn tại trong tất cả các kiểu vật thể số: hình ảnh, video, âm thanh, chữ viết hay thậm chí là một bài đăng Twitter. NFT còn có thể là những mảnh đất trong các môi trường thế giới ảo, là trang phục số hay quyền sử dụng ví tiền mã hóa độc quyền.

Việc mã hóa các tài sản có thể đem lại những lợi ích đáng kể cho cả người bán lẫn người mua. Vì tài sản NFT có thể xác thực tính thật giả, quyền sở hữu rõ ràng nên việc giao dịch mua bán cũng minh bạch, nhất là với các tác phẩm nghệ thuật mà tính thật giả rất quan trọng trong việc quyết định giá trị. Bản thân người bán cũng có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và hưởng thành quả lao động một cách công bằng hơn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại