Ngoài nhan sắc chín mùi, kinh nghiệm dày dặn, tân Hoa hậu Hòa bình Việt Nam Lê Hoàng Phương (sinh năm 1995, Khánh Hòa) còn gây ấn tượng mạnh với khán giả trong đêm chung kết diễn ra vào tối 27/8 bằng màn thuyết trình, ứng xử ấn tượng.
Khoảnh khắc đăng quang Miss Grand Vietnam 2023 của Lê Hoàng Phương
Theo đó, ở phần ứng xử cuối cùng, Lê Hoàng Phương đã bốc thăm câu hỏi với nội dung: "Theo bạn, một đứa trẻ trong quá trình hoàn thiện bản thân để lớn lên khi sống trong gia đình của mình, đứa trẻ ấy cần những điều gì?".
Nàng Hậu đã trả lời: "Đối với tôi, trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha mẹ và hành vi cư xử của phụ huynh sẽ được thể hiện bởi những thế hệ nối tiếp. Nhưng có thực trạng đáng buồn rằng hiện nay vài bậc cha mẹ không tiếc những bình luận tiêu cực đến các đối tượng bằng tuổi con của mình. Và đây là vấn đề mà người lớn chúng ta cần phải nhìn nhận.
Sẽ như thế nào nếu con của chúng ta cũng bị đối xử như vậy và tệ hơn là chúng cũng học cách làm tổn thương người khác. Điều để đứa trẻ phát triển tốt nhất chính là người lớn hãy xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, thấu hiểu, kỷ luật và đạo đức".
Toàn cảnh phần thi ứng xử trong đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2023 của Hoa hậu Lê Hoàng Phương (Nguồn: Miss Grand Việt Nam)
Màn ứng xử của Hoa hậu Lê Hoàng Phương đã được dân tình nhiệt tình ủng hộ, nhiều người đã dành những lời khen có cánh trước tài ứng biến của cô:
- Câu trả lời quá xuất sắc, xứng đáng hoa hậu
- Hay quá, trong mấy giây ngắn ngủi mà chị đã "nảy số" nhanh được như vậy.
- Nghe cái biết Hoa hậu liền!
- Tuyệt vời lắm Lê Hoàng Phương, tự hào lắm Khánh Hòa ơi!
- Đúng thật sự con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, nếu cha mẹ không có hành vi chuẩn chỉnh cho con, thì con cái làm sao có thể tốt được. Rất thích câu trả lời của bạn này.
Từ câu hỏi Hoa hậu Lê Hoàng Phương nhận được cũng như phần trả lời của cô, không ít người cũng trăn trở vậy rốt cuộc một đứa trẻ cần gì để hoàn thiện bản thân cũng như tầm quan trọng của giáo dục gia đình.
Tại sao nói con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ?
Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với trẻ con, nhiều người trong chúng ta vẫn giữ suy nghĩ rằng: "Ôi dào, nó còn nhỏ xíu, chẳng biết cái gì đâu". Chính vì thế, nhiều người có phần vô tư, thoải mái thái quá trong việc dạy dỗ con trẻ. Bởi lẽ, họ cho rằng những hành động, cử chỉ, lời nói hàng ngày không ảnh hưởng quá nhiều đến sự phát triển về cả trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, tư duy của trẻ.
Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm bởi theo nghiên cứu khoa học, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Các nhà tâm lý học thường nói tới hiện tượng phản ứng giữa con người với con người. Nói một cách đơn giản đó chính là con người thường có xu hướng thông qua sự nhìn nhận đánh giá một sự việc đã xảy ra của người khác làm tấm gương phản chiếu nhận thức của chính mình. Thông qua những phản ứng đối với sự việc nào đó của người khác, chúng ta sẽ có thể đánh giá nhìn nhận sự việc đó là đúng hay sai. Sau đó qua sự đánh giá nhìn nhận này đúc kết ra hành động thích hợp cho bản thân.
Ảnh minh họa
Cha mẹ cần làm gì để xây dựng tấm gương tốt cho con?
Nếu những tương tác giữa cha mẹ và con cái là tích cực thì tính cách của trẻ sẽ thiên về hướng tốt. Ngược lại, nếu những lời nói, hành động của phụ huynh là chưa đúng đắn hay tiêu cực, thì tính cách của con trẻ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều
Vậy nên, điều trước tiên cần làm chính là tự ý thức bản thân về những hành vi dù chỉ là nhỏ nhặt trước mặt con trẻ. Tiếp đến là chú ý trước khi xử lí một tình huống nào đó, cần suy nghĩ thật kĩ về những ảnh hưởng của cách giải quyết đó đến cách nhìn nhận của trẻ trong tương lai. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên sửa đổi những hành vi, lời nói chưa phù hợp, hay kiểm soát bản thân theo những định hướng tốt đẹp để làm tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo.
Tổng hợp