Oanh Yến (SN 1986) đăng quang Hoa hậu Thế giới Toàn cầu tại Philippines năm 2015. Bên cạnh sự nghiệp, đời tư của người đẹp 8X cũng có nhiều điều thú vị, thu hút sự quan tâm, bàn tán của dân mạng.
Năm 2014, Oanh Yến tuyên bố làm mẹ đơn thân, nuôi 2 con trai. Tuy nhiên, cô không tiết lộ danh tính cha của 2 đứa trẻ. Thời gian sau này, cô sống hạnh phúc bên bạn đời là doanh nhân Tân Long. Sau 8 năm bên nhau, cặp đôi có với nhau 4 người con.
Nhiều năm qua, cô rời làng giải trí, đưa các con sống tại trang trại ở Đồng Nai. Gần đây, Oanh Yến cho biết cô đã đưa 6 con trở lại TPHCM sau 4 năm "bỏ phố về rừng". Bà mẹ cho biết, vì hoàn canh, cô trót dùng tiền học của con mang đầu tư, khi khó khăn kinh tế buộc để các bé nghỉ trường quốc tế, về Đồng Nai học trường làng.
Oanh Yến cho biết, sau 4 năm "bỏ phố về rừng", cô nhận được nhiều bài học. Vì quyết tâm theo đuổi lý tưởng riêng, cô khiến các con vất vả theo mình.
"Tôi vốn thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh nên sống ở trang trại không thấy khổ, nhưng các con lại khác. Gia đình nội, ngoại 2 bên đều không ai muốn tôi và con vất vả. Nhưng vì tôi muốn xây dựng dự án nông nghiệp thuận tự nhiên nên kéo các con khổ cùng. Tôi thấy có lỗi với các con, vì tôi mà đôi lúc các con cũng bị thương hại. Vì lý tưởng của tôi, các con trở nên thiếu thốn so với những gì các con đáng được hưởng. Do đó, tôi phải thay đổi", Hoa hậu Thế giới Toàn cầu 2015 tâm sự.
Bé lớn có dấu hiệu tự kỷ, các bé nhỏ không chịu đến lớp
Nàng Hậu chia sẻ, thời gian qua, cô và các con sống nhờ nhà người thân ở TP Thủ Đức. Ban ngày, khi các con đi học, Oanh Yến lái xe về Đồng Nai để tiếp tục công việc chăm sóc, nuôi trồng ở nông trại. Dù vượt quãng đường gần 100km mỗi ngày, cô không thấy vất vả vì muốn dành trọn tâm huyết cho nông nghiệp.
Cô cho biết, sau mấy tháng về quê, bé lớn trở nên lầm lì, có dấu hiệu tự kỷ khi học lớp 6 ở trường huyện; 3 bé nhỏ không chịu đi mẫu giáo vì thấy mình khác biệt, lạc lõng giữa các bạn học là người dân tộc thiểu số.
"Ngày nào tôi cũng "lùa" các con dậy từ 5h hơn để chuẩn bị 6h kém đi học. Bé lớn học trường huyện, cách nhà 13 km còn hai bé kế học trường làng, cách nhà 7 km. Nếu có xe hơi, tôi chở các con một lượt còn đi xe máy sẽ phải chia hai chuyến. Sáng đưa đi - trưa đón về, chiều lại như vậy nên riêng việc đi học của lũ trẻ cũng khiến tôi mất mấy tiếng mỗi ngày.
Khi các anh chị đi học, ba bạn nhỏ lên 3, 4 và 5 tuổi ở nhà với mẹ. Chúng theo tôi ra vườn tưới rau, gieo hạt, thu hoạch hoa trái... Cuối tuần thì cả 6 đứa cùng lao động, học những kỹ năng sinh tồn, trồng trọt, chăn nuôi, hái lượm... Nông trại mát mẻ, không phun thuốc trừ sâu nên các con thoải mái trải nghiệm. Có điều chúng nói thích ở nhà làm vườn hơn đi học.
Tôi cũng trang bị các tiện nghi cơ bản ở nông trại, có người phụ nấu ăn, dọn dẹp. Trước đây ngoài cô quản gia, tôi thuê thêm 4-5 người làm nhưng sau này phát sinh khó khăn nên họ dần nghỉ hết", Oanh Yến chia sẻ trên chuyên trang giải trí Ngoisao.
Cô cũng kể về những thay đổi của con mình: "Trước đây tôi nghĩ đơn giản rằng "người khác sống được thì con mình cũng sống được", nhất là trẻ con có khả năng thích nghi tốt, nhưng tôi đã sai. Cách dạy dỗ, truyền đạt kiến thức ở trường làng khác phương pháp con tôi được học trước đây. Bé không hiểu bài nên tỏ thái độ bất mãn, giáo viên cũng bức xức và gọi phụ huynh lên "mắng vốn".
Chưa hết, bé buồn bã, cô đơn vì không thể kết bạn nên ngại đi học cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, lúc ở thành phố, con tôi luôn hoạt bát và thích đến trường. Tôi trăn trở rất nhiều, tự hỏi mình đã 43 tuổi vẫn đăng ký học đại học từ xa, vậy tại sao chuyện học hành của con lại không cân nhắc kỹ hơn".
Người đẹp cho biết, lúc cô nói đưa các con về Sài Gòn, mọi người rất mừng. Hai bên nội - ngoại nhiệt tình giúp đỡ tài chính, phụ vợ chồng cô ổn định cuộc sống, xin học cho các con.
"Tôi phải rạch ròi được giữa lý tưởng của bản thân và cuộc sống, tương lai của các con. Ở xã hội văn minh, nếu lũ trẻ không học hành đàng hoàng, thiếu kiến thức thì thật tội nghiệp. Sắp tới, tôi sẽ bán bớt đất, rút một số hạng mục đầu tư để mua nhà Sài Gòn. Khi các con ổn định việc học, tôi một mình về nông trại hoặc sáng đi - tối về chứ không đưa chúng đi theo như trước nữa", Oanh Yến chia sẻ.
Tổng hợp