Theo kế hoạch, vòng hòa đàm Yemen giữa phiến quân Houthi và chính phủ Yemen được Liên Hợp Quốc bảo trợ đã có thể bắt đầu từ ngày hôm qua (6/9) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa thể tiến hành do sự vắng mặt của đoàn Đại diện phiến quân Houthi.
Nhiều khả năng, hạn trong ngày hôm nay, phái đoàn quan chức chính phủ Yemen sẽ về nước nếu phiến quân Houthi không đến. Vòng hòa đàm Yemen từng bị gián đoạn từ năm 2016 vừa mới nhen nhóm được khởi động lại, đã có nguy cơ đổ vỡ.
Vòng hòa đàm Yemen đang được kỳ vọng bắt đầu trở lại sau hơn 2 năm gián đoạn kể từ vòng đàm phán kết thúc tại Kuwait năm 2016, với nhiều nỗ lực của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths trong những tháng qua.
Ông Griffiths đã đưa ra mời các bên tham chiến tại Yemen tham gia vòng hòa đàm mới vào ngày hôm qua tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của 1 trong 2 bên tham chiến đã phủ bóng vòng hòa đàm mới này ngay cả khi nó chưa được bắt đầu.
Ngoại trưởng Yemen Khaled Al-Yamani hôm qua (6/9) cho biết:
“Hôm nay lẽ ra là ngày đầu tiên của vòng đàm phán. Chúng tôi đang ở đây, còn phiến quân Houthi đã không chấp nhận tham gia vào các cuộc tham vấn này ngay cả khi nhận được mời từ Đặc phái viên Liên Hợp Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng, họ đang phạm một sai lầm lớn bởi khi không nghiêm túc tham gia các cuộc đàm phán hòa bình này”.
Ngoại trưởng Yemen cho biết thêm, vòng đàm phán này đã được lên kế hoạch suốt 2 tháng qua và sự có mặt của phái đoàn chính phủ Yemen tại Geneva đang cho thấy thái độ nghiêm túc của họ trong việc theo đuổi một tiến trình hòa bình cho đất nước.
Tuy nhiên, họ sẽ không thể mãi chờ đợi đại diện của Houthi tại Geneva mà không rõ liệu họ có đến hay không. Dự kiến, trong ngày hôm nay phái đoàn chính phủ Yemen sẽ về nước nếu vòng đàm phán không thể bắt đầu.
Quả bom giết chết 40 trẻ em Yemen là do Mỹ cung cấp cho Saudi Arabia VOV.VN - Hãng CNN (Mỹ) đã kiểm chứng và xác định bom trong vụ không kích khiến 40 trẻ em Yemen chết là loại vũ khí do Mỹ cung cấp cho Saudi Arabia.
Theo nhiều hãng truyền thông khu vực, có nhiều lý do để biện minh cho sự vắng mặt của phiến quân Houthi ở Geneva.
Kênh truyền hình al-Masirah của Houthi cho biết, Liên quân Arab đang hậu thuẫn lực lượng chính phủ Yemen đang cản trở việc các quan chức lực lượng này tới Geneva, đồng thời cáo buộc Liên Hợp Quốc đã không thực hiện các yêu cầu mà nhóm đưa ra.
Đó là phái đoàn Houthi phải được đi trên một máy bay của Oman, được phép chuyển người bị thương tới thủ đô Muscat, Oman, cũng như phải nhận được đảm bảo an toàn có thể trở về thủ đô Sanaa, Yemen sau khi kết thúc vòng hòa đàm.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Griffiths cũng đã thừa nhận những khó khăn trong việc tập hợp các bên tham chiến đàm phán tại Geneva, song nhấn mạnh sẽ không từ bỏ nỗ lực vượt qua những rào cản để các cuộc tham vấn có thể diễn ra thành công:
“Tôi hi vọng có thể nhìn thấy hai bên có mặt trong cùng một gian phòng. Tôi nghĩ rằng, không có lý do gì mà không làm được điều này. Chúng ta phải tìm ra đâu là những điểm gây bế tắc, tìm ra cách giải quyết nó, xác định những ưu tiên và tiến hành những biện pháp gây dựng lòng tin.
Chúng tôi muốn, công việc mà chúng ta làm cùng nhau trong những ngày tới sẽ bắt đầu bằng việc gửi đi một tín hiệu hi vọng.”
Ông Griffiths là đặc phái viên thứ 3 của Liên Hợp Quốc trong hồ sơ Yemen kể từ khi nước này nổ ra cuộc nội chiến năm 2014. Dưới thời các Đặc phái viên trước, các vòng hòa đàm giữa các bên Yemen đã không mang lại bất kỳ đột phá nào.
Hiện tiến trình đàm phán cũng đang rất khó khăn khi mà các bên Yemen vẫn chưa thể nhượng bộ lẫn nhau. Các cuộc giao tranh vẫn xảy ra tại nhiều khu vực khiến quốc gia nghèo nhất Trung Đông này phải đối diện với các cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, đặc biệt là nạn đói và dịch bệnh tràn lan./.