Hòa đàm Syria tại Astana: Chưa cần tham gia, chính quyền Trump đã khiến Nga-Iran rạn nứt

Linh Nguyễn |

Theo phân tích từ Al Arabiya, cả Iran và Nga đều bước vào hòa đàm tại Astana về tình hình Syria với những chủ đích khác nhau, thậm chí là đối nghịch.

Iran lúng túng trước cục diện

Theo tờ Al Alrabiya, Iran bày tỏ mối lo ngại về chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump bằng việc phản đối Mỹ tham gia hòa đàm Syria diễn ra ngày 23-24/1 tại thủ đô Astana, Kazakhstan.

Hãng tin Tasnim của Iran cho hay, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố ngày 17/1 rằng "Chúng tôi không mời họ (Mỹ), và chúng tôi phản đối sự hiện diện của họ".

Al Arabiya nhận định, Iran đang cố gắng giữ thái độ bình thản trước tình hình nước này đã để mất tầm ảnh hưởng tại Syria vào tay Nga, nhưng lại không thừa nhận thất bại chiến lược này.

Mặc dù vậy, lời tuyên bố của Ngoại trưởng Zarif đã đi ngược lại cam kết sẽ mời chính quyền Trump đến hòa đàm Astana của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Mỹ cũng đã phát đi tín hiệu rằng Washington sẽ tham gia vào nỗ lực đàm phán hòa bình mới.

Diễn biến mới nhất này là một phần của mâu thuẫn lớn giữa Washington và Tehran xoay quanh tình hình khu vực Trung Đông, và diễn ra song song với khả năng Trump sẽ đảo ngược hoàn toàn chính sách hòa giải bị ông cho là "nhiều thiếu sót" của chính quyền Obama tại Syria, theo Al Arabiya.

Trên thực tế, điều này cũng chứng tỏ việc Moscow chưa bao giờ coi Tehran là đối tác chiến lược.

Theo Al Arabiya, rõ ràng Kremlin ưa thích một mối quan hệ bền vững và "tái sinh" với Nhà Trắng, chứ không phải những giáo sĩ Iran. Trong khi Iran coi Syria như "tỉnh thứ 35" của nước này, Moscow chưa bao giờ nghĩ như vậy.

Giáo sĩ người Iran và cựu lãnh đạo tình báo của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mehdi Taeb miêu tả tầm quan trọng đặc biệt của Syria đối với Iran rằng:

"Nếu kẻ thù tấn công chúng ta và tìm cách giành lấy Syria hay Khuzestan (một tỉnh giàu dầu mỏ thuộc tây nam Iran), ưu tiên của chúng ta sẽ phải là giữ lấy Syria, vì nếu còn Syria thì ta mới chiếm lại được Khuzestan. Nhưng nếu để mất Syria, chúng ta sẽ mất Tehran."

Hòa đàm Syria tại Astana: Chưa cần tham gia, chính quyền Trump đã khiến Nga-Iran rạn nứt - Ảnh 1.

Cuộc hòa đàm diễn ra tại Astana ngày 23-24/1 là lần đầu tiên một phái đoàn đại diện cho các nhóm nổi dậy Syria đàm phán trực tiếp với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: AFP)

Mục tiêu thực sự của Nga

Theo Al Arabiya, trong lần trở lại Trung Đông sau 40 năm này, Nga nung nấu một số mục đích nhất định. Sau loạt lệnh trừng phạt nặng nề do Mỹ và châu Âu ban hành, Moscow không chỉ muốn củng cố vị thế vững chắc tại vùng chiến lược của thế giới, mà còn khát khao sở hữu quân át chủ bài cho các thỏa thuận sắp tới với NATO và Mỹ.

Nga mong muốn tiếp tục nắm giữ Syria làm đồng minh tại Trung Đông, và là thị trường xuất khẩu vũ khí béo bở. Tuy nhiên, mục tiêu này không trùng khớp với việc bảo vệ tổng thống Syria Bashar al-Assad. Moscow có khả năng "dàn xếp" tương lai ông Assad trong các cuộc đàm phán với phương Tây.

Trong khi đó, Tehran đang đi một con đường hoàn toàn khác: Tiếp tục theo đuổi mục tiêu thiết lập một "vùng lưỡi liềm Shiite" trong khu vực.

Khái niệm "Lưỡi liềm Shiite" do Vua Abdallah của Jordan lập ra vào năm 2004 thể hiện mối lo sợ một khu vực chịu ảnh hưởng Iran.

Al Arabiya nhận định, Iran đã đầu tư rất nhiều vào Syria, và Syria chính là nền tảng của chiến lược Trung Đông do Iran ấp ủ, trải dài từ Iraq tới Lebanon và thậm chí là Yemen.

Hệ quả là, với việc Nga theo đuổi mục đích ép Mỹ và châu Âu thỏa hiệp trong nhiều vấn đề trong đó có Ukraine, nhiều khả năng Moscow và Washington tìm được tiếng nói chung về vấn đề Syria và đối nghịch với lợi ích của Iran.

Theo Al Arabiya, Moscow đang tìm kiếm một giải pháp chóng vánh cho tình hình tại Syria, và việc Mỹ tham gia vào hòa đàm tại Astana sẽ thúc đẩy mục tiêu đó.

Và đây chính là lý do Ngoại trưởng Javad Zarif lại có phản ứng dữ dội trên, như thể Iran đang trở thành "quân tốt" của Nga.

Bất đồng giữa Moscow và Tehran xoay quanh tương lai của Syria thực sự nghiêm trọng, Al Arabiya nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại