Hóa chất súc rửa đường ống có chất diệt sinh vật

Nguyễn Hoài |

Các chuyên gia hóa học cho biết, Hydrosure- một trong hai hóa chất được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sử dụng để rửa đường ống dẫn dầu thô là hóa chất rất độc với sinh vật, khi xả trực tiếp ra biển sẽ làm cá chết.

Vừa diệt sinh vật, vừa gây cạn kiệt oxy

Theo kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (KL số 734 ngày 30/8/2016) của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tháng 6/2016, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (gọi tắt là Cty Nghi Sơn) thực hiện thử áp lực và súc rửa đối với đường ống tiếp nhận dầu thô từ phao rót dầu không bến vào nhà máy, chiều dài 35 km.

Hoạt động súc rửa nêu trên được tiến hành bằng cách bơm nước biển có hòa thêm hóa chất, gồm 31.708 lít Hydrosure (O - 3670R) và 1.588 lít chất tạo màu (CH2Na3O4).

Theo chuyên gia hóa học Dương Tuấn Hưng, Hydrosure (O - 3670R) là hóa chất đặc thù được dùng riêng cho việc súc rửa các đường ống dẫn dầu thô, thường được pha loãng với nước biển, bơm thẳng chạy qua toàn bộ đường ống dẫn dầu.

Hóa chất này có hai chức năng chính khử oxy và ức chế quá trình ăn mòn. Khi đi vào đường ống dẫn dầu, hóa chất này sẽ loại bỏ các tạp chất có khả năng gây oxy hóa đường ống đồng thời diệt các vi khuẩn sống bề mặt trong của lòng ống.

Hóa chất này được cảnh báo có thể gây bỏng, khi tiếp xúc với axit sẽ gây ra độc tố. Đặc biệt, hóa chất này được cảnh báo là gây nguy hiểm với sinh vật biển, có khả năng diệt sinh vật biển.

Hóa chất này độc hại với cả người khi tiếp xúc.

Trong phương pháp xử lý an toàn hóa chất này, nhà sản xuất yêu cầu, trong trường hợp nuốt hóa chất thì không bao giờ được phép làm cho người bị độc nôn ra, ngay lập tức phải rửa miệng và cho uống nhiều nước.

Việc ói mửa xảy ra thì đầu phải thấp để thành phần trong dạ dày không trào được lên phổi vì sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Theo một chuyên gia về xử lý nước thải, quá trình súc rửa đường ống, do đặc thù của hóa chất là oxy hóa mạnh nên nước thải phải được tuần hoàn để hấp thụ oxy trong không khí hoặc xử lý bằng hóa chất.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng yêu cầu, nước làm sạch và thử thủy lực không được thải trực tiếp ra môi trường mà phải xử lý bằng cách tách cặn dầu mỡ và xử lý hóa chất bằng các bơm trung hòa vào đường ống trước khi bơm xả.

Tuy nhiên, kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cty Nghi Sơn lại đổ trực tiếp ra biển trong 3 ngày liên tiếp (từ 15h ngày 9/6-17h ngày11/6) với tổng lượng nước thải từ quá trình súc rửa là 75.100m3, đã xả trực tiếp ra biển hơn 42.000m3, còn lưu giữ lại khoảng 33.000m3 trong đường ống.

Vị chuyên gia trên cho biết, khi nước thải chưa được xử lý từ quá trình súc rửa xả trực tiếp ra biển sẽ xảy ra quá trình oxy hóa mạnh trong nước biển, gây ra hiện tượng cạn kiệt oxy làm cá chết.

Ngoài ra, tính chất diệt sinh vật biển của hóa chất cũng khiến cho cá biển bị chết.

Chưa có hệ thống xử lý nước thải đã súc rửa đường ống

Tại thời điểm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành súc rửa đường ống, theo kết luận kiểm tra của Tổng cục Môi trường, hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy này mới đang trong quá trình xây dựng.

Theo đó, nhà máy này đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho toàn bộ dự án với công suất 17.000 m3.

Trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung, nhà máy này xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tạm thời với công suất 810 m3/ngày và hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tạm thời với công suất 500 m3/ngày và đang nuôi cấy vi sinh bằng nước thải sinh hoạt.

Ngoài ra, công ty này mới lắp đặt xong đường ống xả thải ra biển, vị trí xả thải cách bờ 2km, sâu 11m so với mặt nước biển nhưng chưa tiến hành xả thải.

Cũng theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị này thiếu hàng loạt các công trình bảo vệ môi trường.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty phải bổ sung nhiều công trình môi trường như hồ điều hòa nước thải, đảm bảo lưu chứa được lượng nước thải tối đa sau xử lý ít nhất 03 ngày, bổ sung thêm bể chỉ thị sinh học để phát hiện kịp thời nước thải nếu không đạt yêu cầu, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý cũng như hệ thống quan trắc khí thải, truyền liên tục số liệu về cơ quan chức năng để theo dõi.

Chưa biết bao giờ có kết quả phân tích

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ ngày 13/9, đơn vị này đã cử Trung tâm Quan trắc Môi trường, trực thuộc Tổng cục vào phối hợp lấy mẫu để tìm nguyên nhân sự cố cá chết ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trả lờiTiền Phong chiều qua, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, chưa có kết quả phân tích mẫu và chưa biết bao giờ mới có kết quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại