Hòa bình không tới với Syria nếu Nga-Mỹ song hành như hiện tại

Thi Anh |

Sẽ có hiệu lực từ chiều tối nay, thỏa thuận Nga - Mỹ liệu có mở đường cho giải pháp chấm dứt xung đột tại Syria?

Chỉ là ngắn hạn

Yêu cầu ngừng ném bom các khu vực dân cư, mở cửa hành lang nhân đạo và phi quân sự hóa những tuyến đường vận tải trọng yếu là những điểm chính trong thỏa thuận mới nhất về Syria giữa Nga và Mỹ.

Thoạt nghe, những biện pháp này có vẻ tích cực. Tuy nhiên, chúng chỉ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn.

Thỏa thuận chỉ phản ánh sự cam kết đối về mặt quân sự, với mục tiêu chiến lược là cắt đứt và chia rẽ Jabhat Fatel al-Sham (hay còn gọi là Mặt trận Al-Nursa) và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL, còn gọi là ISIS) với các nhóm nổi dậy khác.

Theo cây viết Samer Abboud của hãng thông tấn Al Jazeera (Qatar), đây không thể là nền tảng cho một giải pháp thực sự bởi nó không khởi động bất cứ cơ chế chính trị nào. Thay vào đó, thỏa thuận chỉ là sự hội tụ giữa lợi ích và chiến lược của Moskva và Washington. Điều này cuối cùng sẽ định hình lại năng lực chính trị của Syria thời hậu chiến.

Được coi là dấu hiệu cần thiết để chấm dứt xung đột nhưng nỗ lực này chưa chắc đã đạt được mục đích bởi nó chỉ tập trung vào yếu tố quân sự.

Những người nắm được bối cảnh xung đột của Syria hoàn toàn có thể nhìn thấy vấn đề trong chiến lược chia tách Al-Nursa và IS khỏi các nhóm phiến quân khác.

Các nhóm phiến quân ở Syria đều đang trà trộn trong các khu dân cư. Khi nguồn viện trợ của nước ngoài không còn nhiều giá trị, các nhóm vũ trang phải hợp tác với nhau để duy trì hoạt động, tiến hành các chiến dịch quân sự và kiểm soát lãnh thổ.

Dù một số nhóm có lực lượng đông đảo và nắm giữ nhiều vũ khí hơn thì họ vẫn phải hợp tác với các nhóm khác. Chia tách các mạng lưới vũ trang này gần như là điều không thể.

Trong kế hoạch đình chiến trước đây, Al-Nursa đã rút khỏi khu vực dân sự nhưng khi thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ, nhóm này đã trở lại ngay lập tức. Trạng thái quân sự của khu vực này lỏng lẻo tới mức các nhóm vũ trang có thể xuất hiện và biến mất khỏi khu vực dân cư một cách dễ dàng.

Dấu hiệu thất bại

Thỏa thuận ngừng ném bom vào khu vực dân sự mới nhất được người Mỹ rêu rao như một bước tiến rõ rệt. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó đúng, bởi bom thùng đã đe dọa cuộc sống của người dân nhiều năm trời. Nhưng thỏa thuận này chỉ áp dụng đối với các cuộc tấn công đường không của Chính phủ Syria, chứ không bao gồm cả hoạt động của lực lượng trên bộ.

Hoạt động tấn công đường không có thể được ngừng lại, nhưng chẳng có gì đảm bảo hàng chục nghìn phiến quân, những người vẫn "tự tung tự tác" tại Syria phải nghe theo. Vậy điều gì có thể khiến họ chấp hành thỏa thuận ngừng bắn?

Hòa bình không tới với Syria nếu Nga-Mỹ song hành như hiện tại - Ảnh 1.

Phiến quân Syria.

Nỗ lực mở cửa hành lang nhân đạo sẽ khiến hàng viện trợ được đưa vào Syria một cách ồ ạt, và đó sẽ là mục tiêu của các chiến binh. Vậy khác biệt là gì, sau ngày thỏa thuận có hiệu lực? Người Nga đã đảm bảo sẽ kiểm soát tình hình ở Syria nhưng với tình trạng bạo lực tràn lan như hiện tại thì điều đó có lẽ chỉ là một ảo mộng xa xôi.

Có lẽ chúng ta chỉ đang chứng kiến một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về một kết quả có thể chấp nhận được ở Syria.

Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đây, như nghị quyết số 2254 và 2268 đem lại cái nhìn bao quát hơn về cuộc xung đột, cũng như những biện pháp cần có để thúc đẩy một giải pháp. Theo đó, cơ quan này công nhận sự cần thiết của quá trình chuyển tiếp chính trị và một giải pháp chính trị cho Syria.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy những vấn đề trên được giải quyết và thúc đẩy thỏa thuận cuối cùng. Đặc biệt, câu hỏi trọng tâm rằng điều gì sẽ xảy ra sau khi cuộc xung đột chấm dứt vẫn chưa được giải đáp.

Bất kỳ thỏa thuận hay tiến trình nào nhằm chấm dứt xung đột cũng phải vượt ra ngoài khuôn khổ địa chính trị và đem tới giải pháp cho các vấn đề quan trọng với người Syria, bao gồm đưa người tị nạn hồi hương, sắp xếp nơi giam giữ tù nhân, chuyển tiếp quá trình pháp lý và tái thiết đất nước.

Đáng buồn là thỏa thuận mới đây giữa Nga và Mỹ lại không tính tới những yếu tố này. Việc tập trung độc nhất vào khía cạnh quân sự đã gạt người Syria ra ngoài lề, báo hiệu một tương lai mờ mịt cho quốc gia đang giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống IS này và có lẽ bạo lực vẫn sẽ tiếp diễn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại