Hỗ trợ 200 triệu để 'nhường ghế' cho cán bộ trẻ: Liệu có khả thi?

Nguyễn Thành |

Việc Đà Nẵng xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Những ngày qua, khi chính sách này được các cơ quan truyền thông đề cập, ngay lập tức trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về việc này khi mức hỗ trợ cao nhất là 200 triệu đồng cho cán bộ cán bộ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và 180 triệu đồng cho cán bộ là Thành ủy viên;

Người đứng đầu các hội đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành và tương đương; bí thư quận, huyện ủy… Nhiều người đặt câu hỏi về việc các cán bộ của Đà Nẵng thời gian qua dính kỷ luật, nếu nghỉ việc có được hưởng chính sách này hay không? Ngân sách liệu có phải tốn kém khi những người này nghỉ việc?

Theo dự thảo Nghị quyết¸ nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ được lấy từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên) theo phân cấp.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thực hiện chi hỗ trợ từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị.

Được biết, từ cuối năm 2017, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã phát hơn 300 phiếu khảo sát, lấy ý kiến để xây dựng chính sách đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, nhằm thực hiện Đề án tiến cử lãnh đạo dưới 35 tuổi đã được thành ủy Đà Nẵng (dưới thời ông Nguyễn Xuân Anh) thông qua.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết: Từ năm 2017 Sở Nội vụ đã phát phiếu thăm dò ý kiến, chuẩn bị kỹ càng nội dung chính sách này theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng.

Tuy nhiên, do tính chất quan trọng nên các kỳ họp HĐND trong năm 2017 dự thảo chính sách này chưa trình để thông qua. 

Kỳ họp lần thứ 7 HĐND thành phố khóa IX sắp tới Thành ủy có ý kiến, nên chính sách này sẽ được đưa ra để lấy ý kiến đại biểu, biểu quyết thông qua. Nếu nghị quyết được thông qua, từ 1/8 chính sách này sẽ được áp dụng.

Ông Đồng cho biết thêm: Khi xây dựng chính sách này Đà Nẵng tham khảo một số tỉnh thành đã làm trước đó. Trong chính sách tự nguyện nghỉ, thôi việc có sự kiểm soát trong điều kiện đưa ra. 

“Anh muốn xin nghỉ thì phải có người kế nhiệm ngay vị trí đó và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quản lý cán bộ đồng ý. Không phải ưng là được nghỉ. Có điều kiện và yếu tố nếu cá nhân nào đó nghỉ phải có cán bộ trẻ thay vị trí đó. Tức tạo điều kiện cho cán bộ trẻ lên thay”, ông Đồng nói.

Liên quan đến những nghi ngại về chính sách này như nói ở trên, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay: Thực tế trong công tác cán bộ có nhiều việc rất tế nhị. Nhưng nhiều khi cũng cần có những chính sách động viên, khuyến khích nghỉ để trên cơ sở đó chuẩn bị cho người thay thế.

“Việc thay thế cán bộ cũng phải tính vào điểm rơi, lắm lúc không đúng vào điểm rơi, không đúng vào thời điểm cụ thể sẽ không bố trí được công việc cho cán bộ đó. Chính sách này sẽ giúp thành phố chủ động, chuẩn bị kỹ cho người thay thế, kế cận”, ông Đồng nói.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, thực tế trước đây vẫn có nhiều trường hợp xin nghỉ, thôi việc nhưng chính sách chưa có nên chưa có sự động viên khuyến khích. Hiện tại trong đề án cán bộ trẻ có một nội dung giao cho UBND thành phố, ban cán sự đảng UBND thành phố đề xuất vấn đề này.

Do vậy ban cán sự giao Sở Nội vụ tham mưu chính sách để khuyến khích những người lớn tuổi, còn thời gian công tác có ít nhất 5 năm nữa là nghỉ hưu để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ thay thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại