Hồ Tây đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sau thử nghiệm công nghệ Nhật Bản

Hoàng An |

Dự án xử lý thí điểm 1.000 m2 mặt nước hồ Tây được thực hiện tại địa điểm đối diện số nhà 161 Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) từ ngày 16/5, cùng thời điểm với thí điểm trên sông Tô Lịch.

Ngày 18/7, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành đo chất lượng nước trong khu thí điểm xử lý công nghệ Nano, tại hồ Tây, Hà Nội.

Theo báo cáo từ các chuyên gia, khi áp dụng công nghệ Nano-Bioreactor sau một thời gian, lớp bùn dưới đáy bị máy nano phân hủy mạnh đã tạo ra các khe hở khoảng 10cm tại 8 vị trí khiến nước trong và ngoài khu vực xử lý thông với nhau, khiến các thiết bị đặt trong khu vực phải xử lý cả một diện tích rộng lớn không chỉ bên trong mà còn cả bên ngoài khu vực thí điểm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xử lý.

Sau khi phát hiện, ngày 23/6, chuyên gia Nhật Bản đã chỉ đạo tiến hành quây kín lại bằng bạt và các bao cát chèn đáy chân tôn, chỉ 3 ngày sau về mặt cảm quan, màu nước bên trong khu vực được quây kín thay đổi đáng kể.

Dựa theo kết quả phân tích lấy mẫu độc lập đối chứng riêng vào ngày 1/7 của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên & Môi trường), tức sau 1,5 tháng xử lý, so sánh với kết quả phân tích tại thời điểm trước khi tiến hành thí điểm ngày 14/5, các thông số ô nhiễm đều giảm mạnh và đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

Cụ thể: Chỉ số nhu cầu oxy sinh hóa BOD5 giảm từ 23 mg/l xuống 16,2 mg/l (giảm 1,4 lần, đạt tiệm cận cột B1 quy định ≤15mg/l), nhu cầu oxy hóa học COD giảm từ 61 mg/l xuống còn 43 mg/l (giảm 1,42 lần, đạt cột B2 quy định ≤50mg/l), chất rắn lơ lửng trong nước TSS giảm từ 84 mg/l xuống còn 22 mg/l (giảm 3,8 lần, tiệm cận cột A1 quy định ≤20mg/l), hàm lượng oxy hòa tan DO đạt giá trị 8,36 mg/l (đạt cột A1 quy định ≥6mg/l).

Đáng chú ý, theo kết quả phân tích của Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vi khuẩn Coliform giảm từ 7300 MPN/100ml xuống còn 150 MPN/100ml (giảm 48 lần, đạt cột A1 quy định ≤2500 MPN/100ml), E.coli giảm từ 290 MPN/100ml xuống còn 4 MPN/100ml (giảm 72 lần, đạt cột A1 quy định ≤20 MPN/100ml).

Hồ Tây đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt sau thử nghiệm công nghệ Nhật Bản - Ảnh 2.

Bùn ở khu thí điểm đã bớt mùi hôi tanh. Ảnh: Hoàng An.

Tiến sĩ Takeba Akira - Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại & Môi trường Nhật Bản cho biết, đặc trưng nước hồ Tây có rất nhiều Tảo, mặc dù loài sinh vật này có ý nghĩa ban ngày hút khí CO2 nhả O2 nhưng ban đêm lại hút O2 nhả CO2, nên đây là sinh vật không hề tốt cho môi trường để cá và các sinh vật khác sinh sống.

"Khi chúng tôi áp dụng việc quây kín khu vực này xử lý nước sau một thời gian ngắn, kết quả các chỉ số về chất lượng nước đạt được độ trong. Các bạn đã thấy, cá bơi về khu vực này rất là nhiều, nó minh chứng rằng công nghệ của chúng tôi làm sạch nước nhưng không phải làm sạch nước trong vắt, không còn dinh dưỡng cho cá sống mà nó hoàn toàn là môi trường rất tốt cho cá và vi sinh vật phát triển.

Đặc biệt, bùn ở phần đáy trước khi chưa làm thí nghiệm có màu đen đặc, mùi hôi, nhưng sau khi xử lý không còn đen nữa", tiến sĩ Takeba Akira nói.

Ông phân tích thêm, hồ Tây rộng khoảng hơn 3 triệu mét vuông, để xử lý bùn sẽ mất rất nhiều diện tích đất để chôn lấp, làm ô nhiễm mạch nước ngầm, nếu áp dụng công nghệ Nano xử lý toàn bộ hồ sẽ tạo chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, công nghệ này có 2 nguồn tạo ra oxy, khi ứng dụng vào hồ Tây sẽ luôn đảm bảo môi trường cho cá sinh trưởng tốt, hiệu quả lâu dài trong chu kỳ 25 năm không phải xử lý gì thêm, không tái ô nhiễm và không còn hiện tượng cá chết hàng loạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại