Biển Caspi, hồ nước lớn nhất thế giới về diện tích và thể tích, đang trải qua tình trạng thu hẹp đáng báo động. Tại thành phố ven biển Aktau của Kazakhstan, Azamat Sarsenbayev - một nhà hoạt động môi trường đã chứng kiến mực nước ngày càng lùi xa, để lại nền đất trơ trọi nơi mà anh từng nhảy xuống bơi mỗi ngày.
Cách đó hàng ngàn cây số, tại Iran, nhiếp ảnh gia Khashayar Javanmardi cũng cảm thấy lo lắng khi ghi lại những thay đổi của Biển Caspi, nơi nước ngày càng trở nên ô nhiễm, đến mức không thể bơi được.
Cả hai người đàn ông đều cảm thấy gắn bó với Biển Caspi nhưng lo lắng cho tương lai của hồ nước lớn nhất thế giới. Biển Caspi có diện tích lớn như bang Montana của Mỹ, có vai trò quan trọng cho nền kinh tế của 5 quốc gia xung quanh gồm Kazakhstan, Iran, Azerbaijan, Nga và Turkmenistan. Nơi đây cung cấp nguồn nước cho nông nghiệp, đánh bắt cá, du lịch và cả nguồn dầu khí quý giá, đồng thời góp phần điều hòa khí hậu cho khu vực khô hạn này.
Giàn khoan dầu trên Biển Caspi ở Baku, Azerbaijan vào ngày 8/8/2020. (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đập, khai thác quá mức và đặc biệt là cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến mực nước Biển Caspi giảm mạnh từ giữa những năm 1990. Theo ông Matthias Prange, nhà nghiên cứu tại Đại học Bremen (Đức), mực nước có thể giảm từ 7,8 - 17,7m vào cuối thế kỷ này, nếu thế giới không nhanh chóng cắt giảm khí thải. Thậm chí, với kịch bản bi quan hơn, mực nước hồ có thể giảm tới gần 30m, biến phần phía Bắc - vùng biển nông gần Kazakhstan - thành vùng đất trống.
Sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn đe dọa hệ động vật hoang dã đặc hữu, đặc biệt là loài hải cẩu Caspi và cá tầm hoang dã - nguồn caviar (trứng cá muối) nổi tiếng thế giới. Bên cạn đó, sự suy giảm mực nước còn gây thiếu oxy, đe dọa sự sống của nhiều sinh vật vốn chỉ có thể tồn tại duy nhất ở đây.
Thành phố cảng Aktau, Kazakhstan, nằm trên bờ biển Caspi vào ngày 1/9/2024. (Ảnh: Getty Images)
Việc Biển Caspi ngày càng thu hẹp khiến các nhà lãnh đạo không khỏi lo ngại. Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP29 diễn ra ở thủ đô Baku, Azerbaijan, các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ thảo luận về hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev từng cảnh báo về thảm họa sinh thái từ sự suy thoái của Biển Caspi nhưng đồng thời vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, các nhà hoạt động như Sarsenbayev và Javanmardi vẫn không ngừng kêu gọi sự chú ý của dư luận qua các hình ảnh và câu chuyện mà họ ghi được về "thảm cảnh" của Biển Caspi, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ hồ nước lớn nhất thế giới.