Bản đồ nhiệt cho thấy một số hố sâu trên Mặt Trăng luôn giữ được trạng thái "lạnh tê tái" ở vùng đáy, với nhiệt độ âm sâu do Mặt Trời không chiếu tới - Ảnh: NASA
Các nhà khoa học từ Đại học Arizona (Mỹ) đã phân tích dữ liệu từ nhiều tàu vũ trụ và phát hiện bằng chứng rõ ràng về băng sâu bên trong các miệng hố ở vùng cực của Mặt Trăng, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống -250 độ C do ánh sáng Mặt Trời không thể xuyên qua trong hố tối.
Dữ liệu này từng bị nghi ngờ bởi dù ánh sáng không xuyên tới, gió Mặt Trời mang bức xạ mạnh mẽ vẫn có thể xuyên vào đến tận đáy hố, phá vỡ các phân tử hình thành băng.
Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu lần này đã tìm được chìa khoa: dị thường từ tính xung quanh một số miệng hố va chạm, chính là tàn tích của từ quyển cổ đại mà Mặt Trăng từng sở hữu.
Nói với tờ Science, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết dị thường từ tính này đã làm lệch hướng gió Mặt Trời, từ đó giúp bảo tồn lượng băng nước quý giá bên trong.
Vì đó đích thực là nước, nên các hồ băng ngầm sâu dưới các miệng hố va chạm này sẽ là kho báu lớn cho con người khi xây dựng các khu định cư ngoài Trái Đất : đó là nguồn nước quý giá để phục vụ sinh hoạt cũng như làm nhiên liệu cho các thiết bị, tàu vũ trụ.
Băng nước này được cho là dạng băng nước nguyên thủy được các sao chổi mang đến vào buổi bình minh của Mặt Trăng, khi nó còn là một thiên thể dễ sống và có từ quyển. Thậm chí trước đây có nghiên cứu cho rằng Mặt Trăng từng có sự sống sơ khai nhưng rồi dần tuyệt chủng theo sự mất đi của từ trường.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất thứ chúng ta nên tìm kiếm là hàng trăm miệng hố va chạm - miệng núi lửa luôn chìm trong bóng tối. So với Trái Đất, Mặt Trăng có độ nghiêng nhỏ về phía Mặt Trời dẫn đến việc ánh nắng luôn chiếu theo phương nghiêng lớn ở một số vùng, nên không bao giờ rọi xuống nổi các hố sâu.