Tháng 11 năm ngoái tại Glasgow, các nhà lãnh đạo khí hậu trên toàn thế giới bị cuốn vào một cuộc tranh cãi gay gắt về việc liệu dự thảo cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu nên bao gồm cam kết loại bỏ than đá từ từ hay ngay lập tức.
Cuối cùng, Hội nghị COP26 thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với việc cam kết loại bỏ than đá một cách từ từ. ể từ đó tới nay, chúng ta nhận thấy mình rõ ràng chưa thể quay lưng với thứ nhiên liệu được mô tả là bẩn nhất hành tinh này.
Ngay cả khi thế giới liên tiếp bị lũ lụt, hạn hán và bão do biến đổi khí hậu tàn phá, chúng ta vẫn chưa thể nói không với than đá dù nó tạo ra nhiều phát thải, dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu nhanh chóng. Thậm chí, sản xuất điện than toàn cầu còn lập kỷ lục trong năm thứ 2 liên tiếp và vẫn là nguồn cung điện lớn nhất thế giới.
Than đá (Coal) đang trở lại.
Tiêu thụ than đá tăng mạnh ở châu Âu để thay thế sự thiếu hụt của thủy điện, điện hạt nhân và khí đốt Nga. Trong khi đó, các nhà khai thác hàng đầu tại Trung Quốc cũng đang gia tăng sản lượng kỷ lục để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh biến động toàn cầu khá phức tạp.
Sự trở lại của than đá
Hàng loạt vấn đề với thủy điện, nhiệt điện khí và cả điện hạt nhân dẫn tới sự hồi sinh của than đá. Giá than xuất khẩu đã tăng vọt lên mức kỷ lục và các hợp đồng tương lai cho thấy chúng vẫn sẽ ở mức rất cao trong nhiều năm tới. Và khi người ta lên kế hoạch đầu tư cho các mỏ và nhà máy nhiệt điện mới, đây là điều đáng báo động.
Các nhà khoa học nghĩ rằng thế giới cần loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2040 để tránh những tác động tồi tệ nhất tới biến đổi khí hậu. Bất chấp nhiều nỗ lực trong các năm qua, sự trở lại của than rõ ràng là một trở ngại khổng lồ mà thế giới đang loay hoay vượt qua trong hành trình đạt những cam kết tham vọng về môi trường.
Dave Jones, một nhà phân tích khí hậu tại London, Anh, cho biết: “Chúng ta phải nghiêm túc xem xét xem tiêu thụ than có lập kỷ lục trong năm nay hay không, tiêu thụ khí đốt có lập kỷ lục hay không và phát thải ngành điện có lập kỷ lục mới hay không. Ngành điện là ngành quan trọng nhất cần giảm phát thải trong thập kỷ này”.
Đối với những gã khổng lồ trong ngành than, những người đã quen với việc trở thành “bao cát” cho các nhà hoạt động về môi trường, năm nay không chỉ mang lại lợi nhuận kỷ lục mà còn là cơ hội hiếm thấy để nhấn mạnh với thế giới về giá trị của nguồn năng lượng rẻ và đáng tin cậy mà họ cung cấp.
Mark Vaile, Chủ tịch công ty khai thác mỏ Whitehaven Coal Ltd. của Australia, cho biết: “Khử carbon là cần thiết nhưng nó phải diễn ra một cách có trách nhiệm và có sự phối hợp. Chúng tôi tiếp tục quan điểm rằng đây sẽ là một hành trình kéo dài hàng thập kỷ chứ không phải chỉ vài năm. Các nguồn nhiên liệu truyền thống như than rất quan trọng để cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy.
Vị thế chưa thể bị lung lay
Than từ lâu đã là tâm điểm của các cuộc tranh cãi. Khai thác rẻ, dễ vận chuyển và sử dụng một cách đơn giản đã khiến than trở thành năng lượng cho sự phát triển của thế giới trong thời đại công nghiệp hóa. Tuy nhiên, đổi lại là những bầu trời đen kịt, sự ô nhiễm trên diện rộng và những xã hội khó thở.
Ngay cả khi công nghệ được sử dụng để giảm ô nhiễm không khí trực tiếp, than vẫn tiếp tục là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu vì nó thải ra CO2 nhiều hơn dầu, khí tự nhiên và các loại nhiên liệu hóa thạch khác. Quá trình khai thác than khiến lượng lớn khí metan thoát ra và thải vào môi trường.
Để thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết các nhà máy nhiệt điện than cần bị loại bỏ ở các nước phát triển vào năm 2030 và phần còn lại của thế giới vào năm 2040.
Tuy nhiên, hàng trăm tỷ USD đầu tư được dự báo sẽ đổ vào ngành công nghiệp này trong những thập niên tới. Các nước như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ triển khai các nhà máy nhiệt điện khổng lồ mới.
Trong giai đoạn 2019-2020, thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể với than đá. Thậm chí, tại Hội nghị Khí hậu COP 26 do Liên Hợp Quốc chủ trì, người ta đã kêu gọi “đưa than vào lịch sử”. Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên xa vời trong năm 2021.
Sự phục hồi công nghiệp mạnh mẽ hậu đại dịch đã thúc đẩy mức tiêu thụ than lên kỷ lục. Tình trạng mất điện trên diện rộng ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã buộc các nhà lãnh đạo phải nỗ lực để giúp nền kinh tế ổn định. Và thế giới nhận ra rằng mình vẫn phục thuộc vào than như thế nào.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cùng các vấn đề liên quan tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của than. Cùng với hạn hán kỷ lục, đặc biệt là ở Trung Quốc, thiếu điện trở thành tình trạng bình thường mới. Ngay cả ở Mỹ, việc tạm dừng các nhà máy nhiệt điện than cũng đang bị trì hoãn. Thậm chí, sản lượng than còn được dự báo tăng 3,5% trong năm nay.
Một viễn cảnh khai tử than đá đang ngày càng trở nên xa vời. Tuy nhiên, thế giới không từ bỏ mục tiêu đó. Sự đóng góp ngày càng lớn của năng lượng tái tạo có thể giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu này. Ngay cả khi đó, chúng ta cũng nên chấp nhận thực tế là sẽ không có thay đổi nào diễn ra chỉ sau một đêm.