Theo các di tích, thư tịch cũ được lưu giữ ở các đình làng, bảo tàng dân tộc Việt Nam đều khẳng định, họ Đậu cùng nguồn gốc và xuất phát từ họ Đỗ, do cách phát âm giữa vùng miền nên lâu dần có các cách gọi khác nhau.
Theo sách Họ Đỗ Việt Nam, dòng họ này tồn tại, gắn liền với nơi phát tích, sinh tụ của người Việt cổ ít nhất cách đây khoảng 5.000-6.000 năm, trước thuở lập nước đầu tiên mang quốc hiệu Văn Lang và trước cả thời xác lập vua Hùng đời thứ nhất.
Người Việt họ Đỗ đầu tiên trong lịch sử nước ta được biết đến là cụ bà Đỗ Ngoạn (công chúa Đoan Trang), thường được gọi là Đỗ Quý Thị.
Tục truyền Đỗ Quý Thị là con gái cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch, vùng Nghi Tàm, Hà Nội. Cụ Long Đỗ là một trong tam vị thành hoàng Thăng Long, Hà Nội (còn được gọi là Thần Bạch Mã), được thờ ở đình Tân Khai phố Hàng Vải, đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm và nhiều nơi khác ở Hà Nội.
Cụ Đỗ Quý Thị có 8 người em trai: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Cương, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng.
Chồng bà là Nguyễn Minh Khiết (vua Đế Minh), sinh con trai tên Lộc Tục. Tuy nhiên, không lâu sau, vì bất hòa với chồng, bà mang con trai đi tu ở Động Tiên (huyện Lạc Thuỷ thuộc tỉnh Hoà Bình ngày nay).
Đỗ Quý Thị cùng với 8 em trai hết lòng nuôi dạy Lộc Tục trưởng thành, cho đến khi vua Đế Minh giao quyền trị vì đất nước, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ.
Sau khi mất, cụ Đỗ Quý Thị được thờ ở Chùa Vân La (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội).
Ngày nay, họ Đỗ Việt Nam phát triển thành cộng đồng lớn, định cư ở hầu hết các địa phương trong nước. Đến nay, sách ''Họ Đỗ Việt Nam'' sưu tập, giới thiệu tóm tắt lịch sử khoảng 320 chi - nhánh họ Đỗ ở các làng xã (trong đó có cả 124 chi họ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, TP.HCM và nhiều địa phương khu vực phía Nam được gọi lái đi là họ Đậu).
Theo một chuyên gia sử học Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, họ Đỗ và Đậu được coi là cùng dòng với nhau. Họ Đỗ tập trung ở các tỉnh thành khu vực phía Bắc, còn họ Đậu xuất hiện ở khu vực miền Trung và miền Nam.
"Một số địa phương thường phát âm chữ ''đ'' với giọng rất nặng -''đỗ'' thành ''độ'', lâu ngày thành ''đậu", vị này cho biết thêm.