Sự cố cháy rừng ở Hy Lạp làm 87 người chết diễn ra đã năm ngày. Hôm qua 27-7, sau khi kết thúc ba ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân, làn sóng chỉ trích thái độ và phản ứng của chính phủ trong vụ việc bắt đầu bùng mạnh.
87 người chết trong vụ cháy rừng kinh hoàng đầu tuần này ở Hy Lạp . Ảnh: GETTY IMAGES
Những người chỉ trích cáo buộc chính phủ ngạo mạn khi các câu hỏi về vụ cháy rừng gửi đến chính phủ không hề nhận được trả lời nào, yếu kém toàn diện trong phản ứng trước đám cháy rừng để bảo vệ người dân. Họ cho biết không thể chấp nhận thái độ không một lời xin lỗi, không một sự từ chức nhận trách nhiệm nào sau thảm họa kinh hoàng này.
Lính cứu hỏa tìm thấy phần còn lại của thi thể một nạn nhân bị lửa thiêu, tại thị trấn Mati. Ảnh: GETTY IMAGES
Thị trấn Mati nơi xảy ra cháy rừng chỉ cách thủ đô Athens 30 km về phía đông. Và người dân thị trấn Mati sống sót sau cháy rừng rất giận dữ với thái độ của chính phủ.
“Họ để mặc chúng tôi bị thiêu như chuột . Không ai tới đây để xin lỗi hay nói sẽ từ chức cả, không một ai” – cô Chryssa, một người sống sót ở thị trấn Mati nói với kênh truyền hình Skai.
Người dân bần thần trước cảnh điêu tàn sau khi lửa tràn qua, tại thị trấn Mati gần thủ đô Athens (Hy Lạp). Ảnh: GETTY IMAGES
Bà Fofi Gennimata, đảng xã hội Pasok cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm lớn.
“Tại sao họ không bảo vệ người dân bằng cách sơ tán dân trong vùng vốn đã biết bị đe dọa trước khi thảm họa xảy ra? Họ phải thừa nhận đã để mặc người dân bị lửa thiêu” – theo bà Gennimata.
Hình ảnh vệ tinh chụp thị trấn Mati tháng 10 năm ngoái cho thấy bao quanh các ngôi nhà là các rừng cây dễ cháy. Ảnh: CNN
Tối 26-7, chính phủ có buổi họp báo về thảm họa. Và đảng đối lập chính Dân chủ mới chỉ trích việc chính phủ đã không có một lời xin lỗi nào trong cuộc họp báo này.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bảo vệ Công dân Nikos Toskas nói không kịp thời gian sơ tán dân vì lửa quá nhanh, nghi có bàn tay phá hoại trong vụ cháy rừng.
Ông Toskas nói ông đã đề nghị được từ chức nhưng Thủ tướng Tsipras gạt đi.
“Một ngày sau thảm kịch, chủ yếu vì lương tâm chứ không phải vì mắc sai lầm gì, tôi đã đề nghị với thủ tướng được từ chức, ông ấy nói giờ là lúc phải chiến đấu” – ông Toskas nói với các nhà báo ngày 26-7. Ông Toskas đã bị chất vấn gay gắt khi đến thăm hiện trường cháy rừng trước đó cùng ngày.
Thị trấn Mati ngày 26-7, sau khi lửa cháy rừng tràn qua. Ảnh: GETTY IMAGES
Chính phủ Hy Lạp đã thông báo một số biện pháp khắc phục, trong đó có bồi thường một lần 10.000 euro (tương đương 11.600USD) cho gia đình các nạn nhân, vợ/chồng và người thân trực hệ sẽ được nhận vào làm trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những biện pháp này không đủ làm dịu nỗi đau, muốn chính phủ phải chịu trách nhiệm với thảm họa quá kinh hoàng này.
Thủ tướng Alexis Tsipras không hề xuất hiện trước công chúng từ ngày 24-7, khi ông thông báo ba ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân. Cuối ngày 27-7, vì làn sóng chỉ trích quá mạnh, ông Tsipras mới ra mặt nhận trách nhiệm.
“Tôi trước hết sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm chính trị vì thảm kịch này trước nội các và người dân Hy Lạp. Tôi không che giấu cảm xúc lẫn lộn của mình lúc này… Đau đớn, suy sụp vừa vì những mạng người mất đi một cách bất ngờ và uất ức, vừa vì không biết chúng tôi đã làm đúng mức chưa” – ông Tsipras nói.
Vụ cháy rừng đầu tuần này là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất của Hy Lạp. Ảnh: GETTY IMAGES
Bên cạnh 87 người chết, vẫn còn hàng chục người chưa tìm thấy tung tích. Đến tận ngày 27-7 vẫn còn khoảng 300 lính cứu hỏa và người tình nguyện tập trung dập lửa lẫn tìm kiếm người mất tích. Cháy rừng khủng khiếp đến nỗi một lượng lớn người dân đã phải nhào xuống biển tránh lửa nhưng vẫn có người chết, không vì lửa mà vì đuối nước.
Người dân tràn xuống biển tránh lửa. Ảnh: GREEK REPORTER
Hơn 500 ngôi nhà bị thiêu rụi. Số người chết có thể sẽ còn cao hơn nữa vì còn nhiều ngôi nhà khóa cửa chưa được kiểm tra, có thể có người chết bên trong.