Công trình Hồ Bún Xáng (hẻm 51) thuộc 3 phường Hưng Lợi, Xuân Khánh, An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ thuộc dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới.
Công trình được xây dựng để cải thiện vệ sinh môi trường, tăng lưu lượng dự trữ nước và góp phần cho công tác chống ngập trung tâm thành phố. Thế nhưng nơi đây vẫn còn là một công trình chưa hoàn thiện và là “nỗi sợ” của người dân mỗi khi “mùa triều cường” đến.
Công trình này thi công đã lâu, đáng ra phải hoàn thành vào hai năm trước, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang, đem lại nguy hiểm và bất an cho người dân.
Tháng 6/2016, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Ban quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, khởi công xây dựng hồ Bún Xáng, thuộc Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án thành phố Cần Thơ.
Giá trị hợp đồng xây lắp hơn 200 tỷ đồng, thời gian thi công 20 tháng. Dự án bao gồm các hạng mục như, nạo vét lòng hồ với diện tích 12,6 ha, với tổng khối lượng bùn là 280.000 m3; xây dựng các tuyến đường quanh hồ có chiều rộng lộ giới trung bình là từ 15-18m với tổng chiều dài gần 2.900m; xây dựng các hạng mục bờ kè có tổng chiều dài 2.500m; xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt; các hạng mục cấp nước, điện hạ thế, điện chiếu sáng, cây xanh, công viên cảnh quan…
Cũng theo thiết kế thì hồ có mái kè, kè, lan can và đường đi bộ. Lối đi bộ có cốt 1,65m, đỉnh kè vị trí đặt lan can 1,95m, mặt đường nhựa cốt 2,2m. Nhưng hiện tại kè thiết kế thấp hơn mặt đường, trong khi lưu lượng nước ra vào mỗi ngày trong hồ khá lớn, nên khi nước lên là ngập luôn bờ kè.
Điều đáng lưu tâm, cách đây hơn 1 năm đã có người thiệt mạng do mực nước ngập sâu khu vực quanh hồ khi triều cường lên, hạn chế tầm quan sát lại không có lan can bảo hộ. Nhưng hiện trạng làm lan can mới chỉ một nửa diện tích, phần còn lại chưa được đầu tư vẫn kéo dài cả năm nay. Khu vực này thậm chí còn chưa có rào chắn cảnh báo, chỉ giăng dây, chẳng khác nào “cái bẫy tử thần” giữa lòng đô thị.
Một nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khác cũng ngay trên tuyến đường này là không có đèn đường ban đêm và đèn giao thông. Trong khi đây là một trong những con đường nhộn nhịp ở trung tâm quận Ninh Kiều, Cần Thơ; có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, cửa hiệu mua sắm, thu hút nhiều người dân đến đây.
Về những bất cập tại công trình này, ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ - đơn vị đầu tư giải trình, công trình dang dở là do dự án 2 của hồ Bún Xáng đã hoàn thành vào năm 2019, thành phố đang tiến hành gia hạn thi công dự án 3 - dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị mà hồ Bún Xáng nằm trong vùng bao.
Dự án 3 đang triển khai các công trình như: Kè sông Cần Thơ, kè Mương Khai, đường nối Cách Mạng Tháng 8 (quận Bình Thủy) kết hợp với các cống âu thuyền Cái Khế, Đầu Sấu, Hàng Bàng… khi các công trình này hoàn tất tạo thành một vòng bao khép kín, sẽ kiểm soát được lưu lượng nước ra vào và lượng nước dâng trong khu vực trung tâm.
"Trong giai đoạn đang triển khai dự án 3, các đợt triều cường sẽ có khả năng tiếp tục nước ngập tràn qua đỉnh kè. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành dự án 3 vào tháng 6/2022 chúng ta sẽ kiểm soát được mực nước khoảng 1,4m – 1,5m, thấp hơn cao trình kè hồ Bún Xáng sẽ không không gây ngập, cũng như là không đưa rác vào đường gây mất vệ sinh môi trường", ông Tâm cho hay.
Như vậy, trước khi dự án 3 hoàn thành, cả khu vực Hồ Bún Xáng tạm thời giờ chỉ trông chờ vào giải pháp của ngành giao thông vận tải để bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là những ngày triều cường dâng cao.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ, trước mắt sẽ phối hợp với Đài khí tượng thủy văn đưa ra cảnh báo về thời điểm triều cường dâng cao để người dân chủ động được sinh hoạt cũng như tham gia giao thông. Tiếp đó sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan tiến hành lắp đặt hệ thống biển cảnh báo và đèn chiếu sáng quanh khu vực hồ Bún Xáng.
Dự kiến tới tháng 6/2022, dự án thi công bờ kè Bún Xáng mới hoàn thành, sự chậm trễ đã kéo theo tâm lý bất an lẫn bức xúc cho người dân, nhất là Cần Thơ đang bước vào mùa mưa bão, triều cường dâng cao. Rất mong cơ quan chức năng địa phương cần sớm đưa ra những giải pháp căn cơ để nhanh chóng hoàn thiện dự án, đảm bảo an toàn việc đi lại của người dân./.