“Ông lớn” thời trang bình dân quốc tế lần lượt có mặt
Việc mở cửa hàng tại Việt Nam trong năm 2017 đã được chính hãng thời trang H&M đăng tải trên trang chủ từ năm 2016 tuy nhiên cho đến thời điểm này, H&M vẫn chưa đưa ra những thông tin cụ thể hơn về thời gian chính thức ra mắt, số lượng cửa hàng, địa điểm, quy mô…
Mới đây, một bản tin tuyển dụng được Manpower Group, tập đoàn chuyên về nhân sự quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam thay mặt H&M công bố về việc tuyển dụng khoảng 100 nhân viên tại Hà Nội nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa hàng đầu tiên của H&M có diện tích khoảng 2.000m2.
Các vị trí cần tuyển dụng gồm quản lý cửa hàng, nhân viên sắp xếp cửa hàng, nhân viên thu ngân…
Trước H&M, trong năm 2016, một thương hiệu thời trang quốc tế bình dân khác là Zara (Tây Ban Nha) cũng mở những cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.
Việc xuất hiện của Zara thời điểm này cũng đã làm “nguội” đi nhiều đồn đoán về sự có mặt của H&M vì trên thực tế, những thông tin như “H&M có thể mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam” thậm chí đã được đưa ra từ năm 2015 và H&M đã nhiều lần phải phủ nhận.
H&M là thương hiệu bán lẻ thời trang quốc tế của Thụy Điển, phù hợp với nhiều đối tượng, hiện nay, để mua sản phẩm của H&M người tiêu dùng thường “oder” từ nước ngoài hoặc mua tại các cửa hàng bán hàng xách tay.
"Nếu có cửa hàng tôi sẽ không mua hàng xách tay"
Chị Phương Thuý (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi nghe thông tin Zara có thể mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2017 chị đã rất vui mừng vì như vậy sẽ không phải mua hàng từ nước ngoài như bây giờ mà có thể thoải mái lựa chọn tại cửa hàng nhưng sau đó Zara đã bác bỏ thông tin.
“Zara hiện mới chỉ có ở TP.HCM và tôi vẫn mua hàng qua một vào tài khoản cá nhân trên trang Facebook. Dù giá bán tại Việt Nam có thể cao hơn giá mua ở nước ngoài chút ít tôi nghĩ rằng mình cũng sẽ lựa chọn việc mua tại cửa hàng vì tiện lợi hơn rất nhiều”, chị Thuý nói.
Việc các hãng thời trang bình dân quốc tế “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam mang lại nhiều hơn cơ hội cho người tiêu dùng, tuy nhiên, có thể sẽ lấy đi công ăn việc làm của nhiều chủ cửa hàng thời trang chuyên hàng xách tay, bán hàng qua mạng.
Xếp hàng thử đồ tại cửa hàng Zara tại TP.HCM
Chia sẻ về việc H&M có thể sẽ có mặt tại Hà Nội trong thời gian tới đây, chị Thuý cho biết, hiện chị cũng đang mua một số sản phẩm của H&M qua mạng nên chị rất hào hứng khi phía H&M đã xác nhận về điều này.
Tương tự, chị Phương Anh (Quận 1, TP.HCM) cũng cho biết, cửa hàng Zara từ khi hoạt động thường rất đông khách, trong khi các gian hàng thời trang trong cùng trung tâm thương mại treo biển quảng cáo giảm giá khá “sâu”, khách hàng vào Zara thường áp đảo.
“Từ quần áo nam, nữ và cho trẻ em, cửa hàng Zara đáp ứng được nhu cầu của nhiều người với mức giá không quá cao và chất lượng, mẫu mã tốt nên lượng khách hàng đông. Những lần tôi đến đây mua sắm thường phải xếp hàng khá lâu để được thử và thanh toán đồ”, chị Phương Anh nói.
Không ít người đến cửa hàng Zara tại TP.HCM sau khi nhìn thấy nhiều mẫu đang được trưng bày tại cửa hàng đã tiếc vì trót mua hàng từ nước ngoài do thời gian chờ hàng mua thường dao động từ khoảng 5-7 ngày hoặc hơn mới nhận được sản phẩm và mức giá không chênh lệch quá nhiều.
Theo chị Thuý Hoa, chủ cửa hàng chuyên bán hàng xách tay cho biết, kể từ khi Zara có mặt tại TP.HCM lượng khách hàng TP.HCM đặt mua hàng đã giảm đáng kể so với trước đó. Số những khách hàng vẫn trung thành thường là khách mua khi các cửa hàng tại nước ngoài vào đợt giảm giá mạnh.
“Vào đợt giảm giá chiếc váy mua ở nước ngoài có thể được bán với giá chỉ khoảng 700.000 đồng/chiếc đến tận tay khách hàng trong khi giá bán tại cửa hàng tại TP.HCM vẫn có giá đến hơn 1,2 triệu đồng nên đây là lý do chúng tôi vẫn bán được các sản phẩm hàng xách tay dù hãng thời trang đã mở cửa hàng tại Việt Nam.
Tất nhiên, những khách hàng này sẽ phải chờ 1 thời gian nhất định hàng mời về”, chị Hoa nói.
Bên cạnh đó, chị Hoa cũng cho biết, ngoài Hà Nội, TP.HCM khách hàng từ các tỉnh, thành khác cũng có nhu cầu mua sản phẩm của các hãng này và Facebook đang là kênh bán hàng hiệu quả.
Tuy nhiên, về lâu dài, chủ cửa hàng cũng cho biết, nếu các hãng thời trang đều có cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội chị có thể sẽ xem xét thay đổi dần chiến lược kinh doanh.