Sau hơn một năm, vị trí huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam lại để trống. Lần này, vị thế của "ghế nóng" khác rất nhiều so với khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tìm người thay ông Park Hang Seo. Đội tuyển Việt Nam lúc này đang giữ vị trí thứ 112 trên bảng xếp hạng FIFA - có thể tụt thêm ở lần cập nhật kế tiếp vì trận thua Indonesia mới đây. Đây là đội bóng đang trong kỳ khủng hoảng.
VFF có phương án cho U23 Việt Nam trước mắt - đội sẽ thi đấu vòng chung kết U23 châu Á vào ngày 17/4 tới. Nếu người được chọn là huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn thì cũng tạm ổn, vì dẫu sao nhà cầm quân này cũng làm việc với phần lớn đội hình từ năm ngoái tại giải U20 châu Á, U23 Đông Nam Á cho tới ASIAD 19.
Tuy nhiên, chiếc ghế ở đội tuyển Việt Nam là câu chuyện khác phức tạp hơn nhiều, kể cả là hợp đồng dài hạn hay tạm quyền. Thách thức đầu tiên là vấn đề thời gian.
Từ nay đến trận đấu tiếp theo của đội tuyển Việt Nam (6/6) chỉ vỏn vẹn 71 ngày, trừ đi thời gian tập trung thì VFF còn lại tối đa 2 tháng để tìm kiếm, đánh giá, đàm phán và ký hợp đồng với HLV mới. Phương án huấn luyện viên tạm quyền có thể được tính đến. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ghế thuyền trưởng của đội tuyển Việt Nam có lẽ cũng không phải vị trí hấp dẫn để có nhiều ứng viên sẵn sàng làm tạm quyền.
Vực dậy đội bóng đang gặp khủng hoảng rõ ràng là một thách thức không hề dễ dàng. Đầu tiên là giải quyết vấn đề về mặt tinh thần. Giả định rằng đa số những tuyển thủ hiện tại tiếp tục được tin dùng ở lần tới, chuỗi phong độ và thành tích kém chắc chắn có ảnh hưởng đến sự tự tin của họ.
Đó là chưa nói tới chuyện động lực thi đấu. Đội tuyển Việt Nam không còn nhiều cơ hội đi tiếp ở vòng loại World Cup 2026. Tâm lý đá cho xong nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong trường hợp làm việc với HLV tạm quyền, khi đội bóng không cần suy nghĩ đến phương hướng dài hạn.
Nếu một gương mặt quen thuộc được lựa chọn làm tạm quyền 2 trận, thắng thì chưa chắc được ký hợp đồng dài hạn mà thua thì đương nhiên chịu chỉ trích. Cơn giận của người hâm mộ dành cho HLV Troussier cũng có thể kéo dư âm sang người kế nhiệm lắm chứ. Còn nếu chọn một gương mặt mới hoàn toàn với bản hợp đồng chính thức, 2 trận đấu đầy khó khăn khi chỉ có chưa đầy 2 tháng làm quen rõ ràng là khởi đầu đầy thách thức.
Nhiều người có thể nghĩ rằng khi huấn luyện viên tiền nhiệm đã hứng chịu đủ sự chỉ trích, công kích và chạm đáy về thành tích thì người thay thế sẽ bớt đi nhiều sức ép. Kỳ vọng về mặt thành tích đối với vị HLV tiếp theo của đội tuyển Việt Nam không cao như trước. Tuy nhiên, dẫn dắt đội tuyển quốc gia chẳng bao giờ là công việc ít áp lực cả.
Cách đây 7 năm, thời điểm ông Mai Đức Chung làm huấn luyện viên trưởng tạm quyền của đội tuyển Việt Nam, nhà cầm quân này cũng đối mặt với rất nhiều lời chê bai khi đội nhà thắng Campuchia với tỷ số chỉ là 2-1.
Tình cảnh của đội tuyển Việt Nam bây giờ cũng gần giống với năm 2017. Khi đó, huấn luyện viên trưởng kiêm nhiệm đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam là Nguyễn Hữu Thắng từ chức - cũng sau một trận thua với tỉ số 0-3. VFF chẳng mất nhiều thời gian để tìm được người thay thế trong vai trò tạm quyền. Huấn luyện viên Mai Đức Chung nhận nhiệm vụ chữa cháy với câu nói đi vào lòng người: "Tôi sẵn sàng khi Tổ quốc phân công".
Ở thời điểm ấy, ông Chung vẫn là huấn luyện viên trưởng đương nhiệm của đội tuyển nữ và là ủy viên Hội đồng huấn luyện viên quốc gia. Đến bây giờ thì nhà cầm quân lão làng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ chức phân công đã nghỉ hưu.
Ai sẽ là người dũng cảm ngồi vào chiếc ghế nóng?