Kiểm soát bóng, chiếm lĩnh thế trận và triển khai tấn công bằng những đường phối hợp ngắn, đó là những gì mà HLV Troussier muốn xây dựng cho đội tuyển Việt Nam.
Trong cách chơi này, nhà cầm quân người Pháp đặt ra yêu cầu tương đối khác biệt dành cho các thủ môn so với những người tiền nhiệm. Thay vì phá trái bóng thật mạnh lên phía trên, những "người gác đền" giờ đây cần tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển bóng, sẵn sàng phối hợp ban chuyền với các đồng đội.
HLV Troussier nỗ lực xây dựng cho đội tuyển Việt Nam lối chơi kiểm soát bóng.
Từ Doha Cup đến SEA Games 32, HLV Troussier đã có những thu hoạch nhất định trong việc giúp các thủ môn thích nghi với lối chơi mới. Nhưng trận gặp Hong Kong (Trung Quốc) sắp tới mới là lần đầu tiên ông xuất trận cùng với đội tuyển Việt Nam.
Hiện tại, ở đội tuyển Việt Nam, Đặng Văn Lâm là lựa chọn hàng đầu cho vị trí trong khung thành. Tuy nhiên, điểm hạn chế của thủ thành 29 tuổi chính là khả năng điều khiển trái bóng bằng chân.
Tại AFF Cup 2022, Văn Lâm không ít lần trở thành "cứu tinh" cho đội tuyển Việt Nam với những tình huống cản phá xuất sắc. Dù vậy, những đường triển khai bóng từ chân của Văn Lâm vẫn chủ yếu là phất dài lên phía trên. Anh chưa thực sự chủ động trong các tình huống phối hợp với đồng đội bên phần sân nhà.
Thủ môn Đặng Văn Lâm sẽ trở nên hoàn thiện hơn dưới bàn tay HLV Troussier?
Xu hướng của bóng đá hiện đại ngày ưa chuộng những thủ môn biết xử lý bóng bằng chân một cách tự tin và chính xác. Cả 4 CLB lọt vào vòng bán kết Champions League vừa qua đều sở hữu các thủ thành có thể dâng lên và chơi chân không kém gì một trung vệ như Onana (Inter Milan), Maignan (AC Milan), Courtois (Real Madrid) và đặc biệt là Ederson (Man City).
Nếu có thể giải được "bài toán lạ" mà HLV Troussier đặt ra, thủ môn Đặng Văn Lâm sẽ có thêm một bước tiến dài trong sự nghiệp. Bước tiến ấy không chỉ mang tới lợi ích cho cá nhân nhà vô địch AFF Cup 2018 mà còn giúp quá trình xây dựng lối chơi mới của đội tuyển Việt Nam sớm đạt được thành công.