Một trong những vấn đề được quan tâm nhất của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier, là đội bóng sẽ được vận hành theo lối chơi và phong cách nào. Nhiều khả năng nhà cầm quân người Pháp sẽ áp dụng sơ đồ 3-4-4 mà ông ưa thích.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 trên tạp chí JSoccer, HLV Philippe Troussier mô tả ngắn gọn phong cách chiến thuật mà ông áp dụng cho đội tuyển Nhật Bản: "Tôi nghĩ đặc trưng của mình là chiến thuật sử dụng hàng thủ 3 người giăng ngang, áp sát rất quyết liệt, điều vẫn còn mới mẻ ở thời điểm đó. Phòng ngự định hướng theo bóng chứ không phải theo người".
HLV Philippe Troussier
David Camhi, trợ lý từng làm việc 4 năm cùng HLV Troussier ở CLB Thâm Quyến (Trung Quốc) khi lấy ví dụ để mô tả phong cách chiến thuật của HLV Troussier đã dùng 3 cái tên để minh họa. Đó là Diego Simeone, Jose Mourinho và Marcelo Bielsa. Hai trong 3 HLV kể trên nổi tiếng với phong cách phòng ngự, người còn lại được xem là một trong những chuyên gia có tư tưởng táo bạo nhất về bóng đá "pressing".
Nhà cầm quân người Pháp ưu tiên tính thực dụng. Điều này được thể hiện ít nhiều khi ông dẫn dắt U19 Việt Nam ở vòng loại U19 châu Á 2020. HLV Troussier yêu cầu tính kỷ luật cao và đồng bộ trong sự vận hành ở 11 vị trí trên sân.
Trong bản tóm tắt về quá trình đội tuyển Nhật Bản giai đoạn ông Troussier còn nắm quyền chuẩn bị cho World Cup 2002 của Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản Kozo Tashima, cụm từ khóa được sử dụng nhiều nhất là "chặt chẽ".
HLV Troussier luôn yêu cầu sự chặt chẽ từ phía học trò: chặt chẽ trong phòng ngự, tấn công, chặt chẽ trong pressing, triển khai bóng, và chặt chẽ trong cả tư duy thi đấu.
Theo Chủ tịch ông Kozo Tashima, do cầu thủ Nhật Bản yếu thế trước đối thủ trên khía cạnh thể chất, nên lối chơi chặt chẽ, sẵn sàng bọc lót hỗ trợ nhau là con đường phù hợp để đội bóng có biệt danh "Samurai áo xanh" giành được ưu thế.
Dù đá với sơ đồ 3 trung vệ hay 4 hậu vệ, ông Kozo Tashima đều yêu cầu cự ly đội hình đội tuyển Nhật Bản đá với khoảng cách 30m, tính từ cầu thủ dưới cùng trước thủ môn đến cầu thủ cao nhất trên hàng tấn công. Nhật Bản thi đấu với cự ly hẹp và rất chặt chẽ, với mục đích là bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối thủ.
" Điểm nổi bật trong triết lý của huấn luyện viên Troussier là sự chặt chẽ. Các tuyến đội hình thi đấu gần nhau, về cả chiều dài lẫn chiều ngang. Chẳng hạn cự ly giữa tiền đạo chơi cao nhất và hậu vệ đá thấp nhất trong đội chỉ khoảng 30m.
Toàn đội sẽ di chuyển cùng nhau theo một khối ở mọi khu vực trên sân. Với Nhật Bản, nguyên tắc này là cốt yếu, bởi chúng tôi thường không có thể lực tốt như đối thủ ", ông Kozo Tashima cho biết.
HLV Troussier tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo.
Sự chặt chẽ cũng là luồng gió mới HLV Troussier thổi vào đội tuyển Nhật Bản, với những cầu thủ ông từng chia sẻ với giới truyền thông là "nặng về lý thuyết và thiếu trải nghiệm thi đấu quốc tế". Trước khi ông Troussier đến, các cầu thủ Nhật Bản thi đấu có phần ngây thơ, thiếu tiểu xảo trong thi đấu.
Còn sau khi ông rời đi, đội bóng có biệt danh "Samurai xanh" trở thành thế lực hùng mạnh ở châu Á và thường xuyên vượt qua vòng bảng World Cup. Tư duy chiến thuật của ông Troussier cũng là nền móng để bóng đá Nhật Bản tiếp tục phát triển. Tinh thần chơi bóng vì tập thể, khoa học và chặt chẽ của HLV người Pháp vẫn còn tồn tại đến nay.
" Tôi luôn giao cho mỗi cầu thủ một chức năng chính xác trong đội. Tôi giống như người nhạc trưởng yêu cầu các nhạc sĩ của mình chơi một bản giao hưởng mà nhạc trưởng chọn. Mỗi nhạc công đều tài năng và có một chức năng đặc biệt trong dàn nhạc. Họ phải cố gắng chơi đúng giai điệu mà nhạc trưởng giám sát cả nhóm yêu cầu ", HLV Troussier nói.
Nhà cầm quân người Pháp ít nhiều thể hiện được phong cách chiến thuật của mình trong thời gian làm việc ở Việt Nam. HLV Troussier đã có hơn 2 năm làm việc trong vai trò giám đốc kỹ thuật của PVF và dẫn dắt đội tuyển U19 Việt Nam.
Ông Troussier am hiểu bóng đá Việt Nam.
Sơ đồ mà HLV có biệt danh "Phù thủy trắng" sử dụng thường xuyên là 3-4-3, với triết lý pressing, gây áp lực và dồn ép đối thủ gần tương tự như cách chơi của Nhật Bản ở World Cup 2002 theo phân tích của Chủ tịch Kozo Tashima.
Tất nhiên là khả năng đáp ứng và vận hành của các cầu thủ trẻ Việt Nam chưa cao, nhưng điều quan trọng là họ được huấn luyện về lý thuyết và có thực hành với hệ thống của HLV Troussier. Điều này tương tự câu chuyện ở Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn trên JSoccer, nhà cầm quân người Pháp cho biết một trong những yếu tố quan trọng giúp ông thành công ở Nhật Bản là tính đồng bộ - được tạo ra nhờ việc phụ trách 3 cấp độ đội tuyển. Khi đó, ông Troussier là HLV trưởng của U19 (U20), U23 và đội tuyển quốc gia Nhật Bản.
"Tất cả các cầu thủ đều được đặt dưới sự quản lý như nhau, cùng các bài tập, cùng một cách giao tiếp và cùng một kỷ luật, không có sự khác biệt giữa các cầu thủ U20 và đội tuyển" , HLV Troussier nói. Ở Việt Nam, ông từng dẫn dắt đội tuyển U19 và sắp tới là U23 và đội tuyển quốc gia.
Một trong những lý do ông Troussier áp dụng sơ đồ 3 trung vệ cho U19 Việt Nam trước đây là để tạo ra sự đồng bộ với các cấp độ đội tuyển lớn hơn. Đối với lứa cầu thủ U19 Việt Nam thời điểm đó, vừa hay đây lại là sự chuẩn bị cho họ khi gặp lại HLV Troussier ở cấp độ U23 sắp tới.
Trong khi đó, ở đội tuyển quốc gia, đa số các tuyển thủ Việt Nam đã quen với sơ đồ 3 trung vệ và những yêu cầu phức tạp của hệ thống này - vốn rất khác so với đội hình 4 hậu vệ mà các CLB V-League thường sử dụng. Điều này có thể sẽ giúp HLV Troussier tiết kiệm thời gian trong việc xây dựng lối chơi cho đội tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, việc áp dụng công thức này có thành công hay không lại là một câu chuyện khác. HLV Troussier là một chuyên gia nổi tiếng và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, trước khi đến Việt Nam làm việc, ông đã dừng việc huấn luyện từ năm 2015 khi chia tay CLB Hàng Châu (Trung Quốc).
Phương pháp của HLV Troussier liệu có còn phù hợp với thời điểm này? Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam sẽ trả lời câu hỏi đó cùng nhà cầm quân người Pháp.