Tuy nhiên, điều ấn tượng là trong trận tranh HCĐ, HLV Park Hang Seo đã giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan, đối thủ mà mới đây cách đây 4 tháng chúng ta từng thảm bại với tỷ số 0-4 ở vòng bảng SEA Games 2017 tại Malaysia.
Với một đội bóng mà chúng ta thường thua nhiều hơn thắng mỗi khi chạm trán như Thái Lan, việc đánh bại họ ngay trên sân khách luôn mang lại cảm giác phấn khích và sung sướng cho mọi CĐV.
Chiến tích này cũng làm giảm áp lực và cả ác cảm của một bộ phận dư luận về việc HLV Park Hang Seo đang cố gò U23 Việt Nam thi đấu theo sơ đồ 3-4-3. Đây là sơ đồ chiến thuật đang rất thịnh hành trên thế giới nhưng lại bị nhiều chuyên gia nhận xét là không phù hợp với bóng đá Việt Nam, vì chúng ta thiếu cầu thủ sở hữu tố chất phù hợp cho sơ đồ này.
Thế nhưng, HLV Park Hang Seo lại không nghĩ vậy, và ông khẳng định sẽ tiếp tục cho U23 Việt Nam thi đấu theo sơ đồ 3-4-3, và nếu có thay đổi nào thì chỉ là biến thể từ sơ đồ này mà thôi. Ông nói:
"Trong suy nghĩ của tôi luôn có 2 sơ đồ, các cầu thủ phải vận hành cả 2 sơ đồ đó. Cầu thủ U23 Việt Nam trước đây chưa hiểu nhưng hiện tại họ đã thưc hiện tốt sơ đồ này. Bình thường chúng tôi sẽ chơi với sơ đồ 3-4-3, nhưng khi phòng ngự đội hình sẽ chuyển thành 5-4-1".
Sự kiên định của HLV Park Hang Seo là điều cần ghi nhận, bởi không phải ông thầy nào cũng dám dũng cảm thử nghiệm cái mới khi vừa nhậm chức như ông.
Và thêm một chi tiết nữa để khiến HLV Park Hang Seo có thể tự tin hơn vào công cuộc “cách mạng” của mình là lịch sử bóng đá Việt Nam trong hơn 10 năm qua cho thấy những HLV có phát kiến đột biến về nhân sự hoặc chiến thuật thường gặt hái được thành công nổi bật.
Hãy bắt đầu với HLV Henrique Calisto, nhà cầm quân duy nhất đã giúp đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup vào năm 2008. Tại giải đấu năm đó, HLV Calisto đã có hàng loạt điều chỉnh nhân sự đầy bất ngờ như đưa Quang Thanh từ hậu vệ phải sang hậu vệ trái, kéo Công Vinh từ trung phong sang vị trí tiền đạo dạt trái và đẩy Tấn Tài từ biên vào trung tâm hàng tiền vệ.
Nhờ thế, sau khi vượt qua vòng bảng một cách đầy may mắn, đội tuyển Việt Nam đã lột xác hoàn toàn từ vòng loại trực tiếp, khi lần lượt đánh bại Singapore (bán kết lượt về) và Thái Lan (chung kết lượt đi) ngay trên sân khách để trở thành nhà quán quân của bóng đá Đông Nam Á.
Trước HLV Calisto một năm, HLV Mai Đức Chung đã khiến cả châu Á phải sửng sốt khi đưa đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 trong vai trò HLV tạm quyền thay thế HLV trưởng Alfred Riedl phải về nước chữa bệnh.
Một trong những phát kiến quan trọng nhất của ông Mai Đức Chung ở thời điểm đó là sơ đồ 4-3-1-2 với Công Vinh chơi lùi dạt trái và Thanh Bình thi đấu ở vị trí đá cắm.
Nhờ tài cầm quân sáng tạo của ông Chung, đội tuyển Olympic Việt Nam có thời điểm đã tiến tới rất gần chiếc vé chính thức tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 và cuối cùng chỉ lỡ hẹn với Thế vận hội do... lịch thi đấu dày đặc ở V-League 2007 khiến các cầu thủ bị mất sức.
Tất nhiên không phải phát kiến mới mẻ nào cũng mang tới kết quả mỹ mãn, chẳng hạn như HLV Edson Tavares từng bị coi là tội đồ khiến đội tuyển Việt Nam thảm bại ở Tiger Cup 2004 cùng sơ đồ 4-3-3 đầy lạ lẫm với bóng đá Việt Nam, trong đó Huỳnh Đức thi đấu ở vị trí trung phong, còn Công Vinh và Bảo Khanh hỗ trợ ở 2 biên.
Cũng bằng sơ đồ này, đội tuyển Việt Nam trước đó đã thi đấu rất ấn tượng ở vòng loại World Cup 2006 khu vực châu Á, nhưng ở Tiger Cup 2004 được tổ chức trên sân nhà, ĐT Việt Nam lại bị loại ngay từ vòng bảng. Vì thế, nếu nói HLV Tavares đã hoàn toàn thất bại với sơ đồ 4-3-3 thì chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác, mà khách quan hơn thì phải nói rằng ông đã chọn sai điểm rơi phong độ cho đội tuyển Việt Nam mà thôi.
Không những thế, HLV Tavares là người đầu tiên nhận thấy tiềm năng của Công Vinh, lúc đó mới 19 tuổi, để đưa tiền đạo này ra cánh, và sau này các HLV kế nhiệm như Mai Đức Chung hay Calisto đã gặt hái quả ngọt với quyết định đặt Công Vinh vào vị trí lệch trái trên hàng tiền đạo, và sau đó Công Vinh trở thành chân sút số một của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG trong hơn 10 năm liên tiếp.
Dông dài như vậy để thấy những thử nghiệm mới mẻ về chiến thuật cho ĐTQG có thể thành công mà cũng có thể thất bại, nhưng chỉ riêng việc HLV muốn thử nghiệm và dám thử nghiệm cùng ĐTQG là việc làm rất đáng khích lệ, như trường hợp hiện tại của HLV Park Hang Seo.