Từ cảm hứng Calisto
Cho đến thời điểm hiện tại, HLV Calisto vẫn là người nước ngoài đã thành công nhất với bóng đá Việt Nam khi đem về chức vô địch AFF Cup 2008. Để có được chiến tích ấy, bên cạnh yếu tố chuyên môn, HLV Calisto còn là người biết “nhập gia tuỳ tục”.
Ông hiểu văn hoá và cầu thủ Việt Nam, bởi chính ông đã có quãng thời gian 10 năm sống tại đây. Và cũng nhờ thế mà ông đã biết cách truyền cảm hứng, tinh thần dân tộc vào mỗi cầu thủ, mỗi trận đấu.
Calisto là người am hiểu lịch sử, đặc biệt với lịch sử Việt Nam ông tường tận những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo… Còn nhớ, sau trận ra quân của ĐT Việt Nam thua Thái Lan 0-2 ở vòng bảng AFF Cup 2008, khi thấy nhuệ khí chiến đấu của các học trò không đủ mạnh, HLV Calisto đã dành cả tiếng để giáo huấn, lên dây cót cho các cầu thủ của mình.
HLV người Bồ đã chốt lại bằng những câu đầy khí thế rằng: Các anh phải biết rằng thế giới luôn nhìn nhận Việt Nam là dân tộc anh hùng. Nếu thi đấu như vậy, các anh sẽ làm xấu hổ cả dân tộc mình, tổ tiên mình.
Và chính những lời đanh thép này mà ĐT Việt Nam chơi các trận đấu tiếp theo với tinh thần chiến binh. Và cũng chính điều đó đã góp phần làm nên một hành trình lịch sử, đưa đội tuyển một lèo đến chức vô địch Đông Nam Á. Và dưới thời Calisto, những cầu thủ cũng máu lửa hơn kể từ cách mà ông truyền cảm hứng.
Sau này, Calisto đã đi đến một đúc kết về cầu thủ Việt Nam: “Tôi thấy nhiều cầu thủ Việt Nam chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình, gia đình mình, quả bóng và chấm hết. Họ không nghĩ tới những biến động của thời cuộc, của nhân loại để thấy rằng mình vẫn sướng hơn rất nhiều người khác. Thành ra khó khăn một tý là họ kêu ca, và có nhiều người vì thế mà sụp đổ.
Tôi muốn họ hiểu biết hơn và mạnh mẽ hơn. Tôi từng nói với họ rằng: Khi tấn công Ai Cập, Naponeon tự nhủ là mình đang đối diện với 2.000 năm văn minh, và khi ra trận, các cầu thủ cũng tự nhủ mình đang đối diện với cả chục triệu fan hâm mộ”.
Và dường như đấy là một trong những đúc kết về cầu thủ Việt Nam mà đến giờ, một khía cạnh nào đó vẫn còn nguyên giá trị. Trong xã hội hiện đại, trước vòng quay của cuộc sống, cầu thủ bây giờ không chỉ đáp ứng cho bóng đá dừng lại ở vấn đề chuyên môn mà cả đạo đức, văn hoá. Nói đúng hơn là cách ứng xử xã hội ngoài sân cỏ cũng cần được coi trọng.
Đến lời chào của ông Park
Hiện tại, ĐTQG và U23 Việt Nam đang được dẫn dắt bởi một HLV người Hàn Quốc. Đó là ông Park Hang-seo. Ông đến từ một nền bóng đá phát triển, một nền văn hoá với cách làm việc quy củ, nề nếp. Và sau một thời gian nhận nhiệm vụ, ông cũng đã có những đánh giá rất thú vị về cầu thủ và văn hoá môi trường Việt Nam.
Ông nói: “Tôi không cảm thấy bị sốc văn hoá khi đến Việt Nam đâu. Bởi lẽ, Việt Nam và Hàn Quốc đều có những nét văn hoá, ứng xử giống nhau. Chúng ta đều có điểm chung là dành sự tôn kính cho những người lớn tuổi.
Tuy nhiên, có một điều trong cách sinh hoạt là cầu thủ Việt Nam ăn xong ai cũng ngủ trưa. Trong khi cầu thủ Hàn Quốc không ngủ trưa bao giờ, họ ăn xong, nghỉ ngơi một lát và bắt đầu ngay vào công việc buổi chiều. Bình thường người Hàn Quốc cũng không có thói quen ăn trưa xong ngủ, họ thường làm việc luôn.
Ở đây, chúng tôi đã phải điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với văn hoá của người Việt. Đó là thói quen lâu ngày của cầu thủ, chúng tôi cũng không có ý định sửa đổi. Bởi cái gì tốt thì chúng ta vẫn tiếp tục giữ gìn. Chỉ có những thói quen không tốt thì mình phải sửa thôi”.
Điều tưởng chừng như nhỏ nhất là “lời chào” cũng đã được HLV Park Hang-seo sửa cho từng cầu thủ ở đội tuyển.
Ông chia sẻ: “Cầu thủ Việt Nam thường ít chào hỏi nhau, trong khi đó cầu thủ Hàn Quốc đi đâu, gặp ai họ đều chào hỏi rất rõ ràng, đặc biệt là những người làm việc thân cận nhau. Chính vì vậy mà thời gian gần đây, tôi đã yêu cầu gặp bất kỳ ai, người lạ, tất cả mọi thành phần, bạn bè… phải chào hỏi nhau theo đúng tinh thần có trên có dưới.
Trước đây, cầu thủ thấy tôi họ liếc một cái rồi bỏ đi. Nhưng bây giờ thì khác, buổi sáng đến gặp tôi hay các thành viên khác trong đội, họ thường chào hỏi rất nhiều. Tôi cũng không biết sự thay đổi đó tốt hơn hay xấu đi”.
Đặc biệt, ông Park cũng nhấn mạnh, yếu tố chuyên môn và nhân cách sống của một cầu thủ cần được dạy dỗ song song. Ông chia sẻ: “Với một cầu thủ, chuyên môn bóng đá là điều rất quan trọng. Nhưng họ đã là con người thì tính cách cũng là điều quan trọng. Tuy nhiên, mỗi yêu cầu thì phải phát huy vào một hoàn cảnh khác nhau.
Như chúng ta thấy mỗi gia đình có cách giáo dục riêng, gia phong riêng. Câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia cũng như một gia đình, có những quy định riêng. Tôi cũng đưa ra những quy định cho các cầu thủ, bắt buộc họ phải tuân thủ.
Chúng ta không chỉ đào tạo cầu thủ về chuyên môn bóng đá mà cả nhân cách nữa. Chỉ cần họ tuân thủ những yêu cầu tôi đưa ra, họ sẽ cảm thấy thoải mái trong môi trường này. Đã là HLV thì phải dạy cho cầu thủ 2 điều, thứ nhất là bóng đá bởi họ là cầu thủ, điều thứ hai là phải dạy họ về nhân tính, tính cách, sự nhân văn”.
Bước đầu, có thể nhận thấy, ông Park là người đang có những sự hoà nhập nhất định với môi trường bóng đá Việt Nam. Và nhìn cái cách mà ông Park uốn nắn cho cầu thủ Việt từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử thông thường có thể thấy vị “đại sứ văn hoá” Park đã và đang tạo ra một đội tuyển hiện đại hơn.
Và cũng nhìn về cách mà cầu thủ của chúng ta vẫn đang học văn hoá chào từ cách đơn giản nhất, có nhiều điều khiến người làm bóng đá nước nhà phải suy ngẫm.