"Con gái đá bóng vất vả lắm"
Đội tuyển nữ Việt Nam đã mang về rất nhiều vinh quang cho nước nhà ở đấu trường khu vực. Sau tấm huy chương vàng tại SEA Games 2019, họ nhận được sự quan tâm lớn hơn từ các cấp lãnh đạo, ban ngành, từ người hâm mộ. Tuy nhiên, cầu thủ nữ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Phía sau vinh quang là những giọt mồ hôi, nước mắt và cả đổ máu của các cầu thủ nữ.
"Vừa qua, có thể cầu thủ nữ được cải thiện hơn nhờ tiền thưởng nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa với các cầu thủ nam ở V.League", HLV Mai Đức Chung mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt.
"Khi muốn mua một đôi giày, các bạn ấy suy tính lên-xuống rất lâu xem thời điểm này có nên chi tiền ra hay không rồi phân vân việc giày cũ còn dùng cố được nữa không. Tôi thấy có những đôi giày đáng lẽ nên thay được nhưng các bạn nữ ấy vẫn khắc phục".
HLV Mai Đức Chung kể về nỗi vất vả vô bờ bến của con gái theo nghiệp bóng đá.
Vì sao các cầu thủ nữ lại phải căn ke chi tiêu? Đơn giản vì mức thu nhập ít ỏi ở CLB không cho phép họ mua sắm dù chỉ là thứ thiết yếu. "Có cầu thủ nữ bị tôi phạt thì bạn ấy năn nỉ xin dù chỉ phạt 200 nghìn. Bạn ấy cảm thấy mất mát lớn, phần vì chạm danh dự, phần vì ảnh hưởng kinh tế. Cuối cùng tôi cũng chỉ dọa, nhắc nhở", HLV Mai Đức Chung kể tiếp.
"Gặp nhiều khó khăn, nhưng trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, chưa bao giờ tôi thấy các cầu thủ nữ lơ là trong tập luyện, thi đấu. Nhìn những ngày nắng đổ lửa, các bạn ấy vẫn hăng say tập luyện, tôi cảm động lắm.
Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Trong một buổi sáng trên sân tập, có bạn không thật tập trung. Sau buổi, tôi hỏi han thì bạn ấy nói, thầy ơi ngày mai là ngày giỗ mẹ con, con muốn về thắp hương cho mẹ con quá.
Tôi phải giục bạn ấy ngay đầu giờ chiều về quê. Nhưng đến tối, bạn ấy đã gọi điện cho tôi báo có mặt tại đội. Tôi cảm động về hành động ấy. Dù đầy tình cảm yêu thương gia đình nhưng vẫn không quên kỷ luật của đội".
Những tổn thương rớt nước mắt
"Mỗi khi có cầu thủ nữ nào điện thoại hay gửi thiếp mời báo tin vui thì tôi vui sướng lắm. Những học trò của mình đã có gia đình, đã đạt được những ý muốn, niềm hạnh phúc", HLV Mai Đức Chung chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
HLV Mai Đức Chung kể về việc nhiều học trò bị lợi dụng, bị lừa khi ra xã hội.
"Bởi vì đó là nỗi lo canh cánh của tôi. Các bạn nữ đã hy sinh rất nhiều cho bóng đá. Thi thoảng tôi vẫn hỏi han các cháu là có bạn trai chưa. Càng ngày tuổi thanh xuân càng đi, con gái đá bóng càng thiệt thòi. Gần nhất có Thanh Thúy của Hà Nam, Nguyễn Thị Hòa của Hà Nội lập gia đình, tôi mừng lắm".
Tuy nhiên không nhiều cầu thủ nữ được hưởng niềm hạnh phúc như thế. Thực tế cho thấy, cầu thủ nữ thiệt thòi rất nhiều. Có không ít cầu thủ nữ bị lừa cả tình lẫn tiền, hôn nhân đổ vỡ, tình yêu dang dở.
"Nhiều cầu thủ nữ bị lừa cả tình lẫn tiền, bị lợi dụng khi ra ngoài xã hội. Tôi thấy thương và cảm thông cho các học trò của mình lắm. Tôi thật sự đau lòng khi chứng kiến những hình ảnh ấy", ông thầy già vĩ đại của bóng đá Việt Nam lặng đi một hồi.
"Khi các bạn thổ lộ cho tôi về việc họ bị lừa mất tất cả, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ thì tôi rất bức xúc. Những trường hợp như vậy nhiều lắm. Tôi xót xa cho học trò của mình và lên án thậm tệ những người đàn ông ấy".
Trên sân bóng, các cầu thủ nữ luôn chiến đấu như những chiến binh. Hình ảnh vỡ đầu, rách chân, xả thân cho đội bóng làm người hâm mộ cảm động. Nhưng bên ngoài cuộc sống, họ lại ít va chạm dẫn đến đôi khi gặp khó khăn, đặc biệt trong tình yêu.
"Thật sự, các bạn ấy ít tiếp xúc bên ngoài rồi có tư tưởng sợ ế. Vì suy nghĩ ấy nên đôi khi dẫn đến quyết định vội vàng, hôn nhân chưa chín chắn. Có bạn tích cóp được một chút mong dành dụm lấy chồng nhưng nhiều chàng trai không thật lòng, chỉ lợi dụng", HLV Mai Đức Chung khuyên các cầu thủ nữ hãy thận trọng trong các mối quan hệ bên ngoài.
Mong mỏi của ông thầy già
Chuyện bóng đá nữ thiệt thòi ra sao so với bóng đá nam là điều đã được nhắc đến nhiều năm, nói thêm thì ai đó nghĩ rằng "than nghèo, kể khổ". Nhưng thu nhập của họ rõ ràng quá thấp. Nhiều cầu thủ phải đi bán rau, bán bánh mì dạo, tranh thủ về làm ruộng hỗ trợ gia đình.
Ông Chung nói về những mong muốn cho bóng đá nữ.
"Đội tuyển quốc gia nữ Việt Nam vừa qua được tài trợ 20 tỷ/năm, một con số đáng mừng. Nhưng tôi muốn phát triển từ cấp CLB. Các cầu thủ ăn ở, sinh hoạt ở CLB mới là chính, và từ cấp CLB có tốt thì mới tạo nền tảng cho đội tuyển", ông Chung trăn trở.
"Chế độ dinh dưỡng cho cầu thủ nữ không được tốt. Nếu được cải thiện thì thể lực cầu thủ sẽ tốt hơn. Muốn đi World Cup cần phải làm nhiều thứ lắm, trong đó dinh dưỡng rất quan trọng. Khẩu phần ăn bao nhiêu phải đảm bảo được dinh dưỡng.
Sân bãi cũng là điều phải cải thiện. Chúng ta phải đồng bộ. Mới chỉ Hà Nam, Quảng Ninh có sân riêng còn lại các đội đều không đạt yêu cầu hoặc đi tập nhờ", ông Chung nhấn mạnh.
Có một câu chuyện nghẹn lòng khác, đó là cầu thủ nữ chữa trị chấn thương rất khổ. Họ thậm chí đi tìm những nơi chữa rẻ nhất khiến hệ lụy kéo theo là lâu bình phục và không khỏi dứt điểm. Ông Chung bày tỏ sự mong mỏi về một sự bình đẳng giữa nam và nữ ở khía cạnh này trước khi khép lại buổi trò chuyện với chúng tôi.