1. 20g30, ngày 22/8, lúc ấy, trận Việt Nam - Indonesia ở SEA Games mới gần hết hiệp 1, trên facebook của cựu tuyển thủ Tuấn Phong có một dòng trạng thái cực hay "Đúng là bóng đá nam SEA Games bây giờ mới thực sự bắt đầu".
Ẩn ý của Phong không quá khó đoán. Campuchia, Phillippines, Timor Leste chỉ là những "túi điểm" mà Thái, Indo và Việt Nam có thể nhặt. Còn vé vào vòng sau thì khác. Đó là cuộc chiến của 3 đội mạnh nhất bảng mà Việt Nam lần lượt phải đối diện cả hai đội mạnh kia ở lượt cuối cùng.
Kết thúc trận đấu, Việt Nam không có được 3 điểm dù chơi hơn 1 người. Ai cũng nhắc tới cú bỏ lỡ "kinh hoàng" của Tuấn Tài cũng như pha việt vị thiếu độ nhạy vị trí của anh. Tuấn Phong để một dòng trạng thái khác: "Đừng trách cầu thủ, hãy động viên họ trước trận đấu quyết định".
Từng là tuyển thủ, từng thua AFF Cup, Tuấn Phong hiểu tâm lý thi đấu quan trọng thế nào. Nhưng chia sẻ của anh không đủ để ngăn những bình luận thóa mạ Hồ Tuấn Tài trên facebook cá nhân của tiền đạo xứ Nghệ.
Một phóng viên của Vietnamnet đưa dòng trạng thái khác, rất hay, rằng "Trận gặp Thái, phút 89, Tuấn Tài ghi bàn quyết định, Việt Nam thắng và vào bán kết thì sao nhỉ?". Lúc ấy, chắc cả nước hô vang tên anh, quên ngay cái tai nạn của trận Indonesia vừa rồi.
Nhưng mấy ai tin Việt Nam thắng Thái bằng kịch bản ấy?
Đơn giản, Tuấn Tài còn được sự tự tin không?
Dễ hiểu, Hà Đức Chinh có giấu được bất mãn không?
Tuổi dưới 22 là còn trẻ, nên khó có thể có được tâm lý già dặn đủ đối phó sóng gió của cuộc đời. Và khả năng Việt Nam gặp Thái với một Tuấn Tài "chột" và một Đức Chinh "ức chế" là không nhỏ. Cầu trời các em đọc được dòng này, vào nói nó tầm phào, và đá như thể cho kẻ viết hiểu rằng "Ông chả biết gì về bóng đá".
Nhưng nếu chuyện đơn giản và dễ hiểu trên có xảy ra đi nữa, và Việt Nam thua Thái trong khi Indo thắng nhẹ nhàng Campuchia để chúng ta về nước sớm, Hồ Tuấn Tài có nên là tâm điểm duy nhất để trách không?
Không. Người đáng trách là người chuẩn bị, quyết định cho cả đội tuyển U22 Việt Nam cho giải đấu này. Và người chuẩn bị, quyết định ấy là ai chúng ta chưa tỏ tường nhưng danh chính ngôn thuận, anh ấy phải là Hữu Thắng.
2. Nếu coi SEA Games như một chiến dịch, chúng ta cần chiến lược và chiến thuật. Chiến thuật dành riêng cho từng trận còn chiến lược là toan tính cho cả đường dài. Và trận hòa Indo, chúng ta thua cả về chiến thuật lẫn chiến lược.
Chiến lược, trận Indo là trận PHẢI THẮNG. 12 bàn trước Cambodia, Phillipines, Timor Leste chẳng có giá trị gì hơn 9 điểm, số điểm mà Thái và Indo hoàn toàn có khả năng lấy được trước cũng 3 đối thủ đó, dù cho vất vả đi nữa. Thế nên, nút thắng quan trọng cho cuộc mở màn chiến dịch SEA Games phải là trận Indo, trận PHẢI THẮNG vì nếu thắng, ta chắc chân vào bán kết.
Thế nên mới cần nhắc lại vì sao có trích dẫn dòng trạng thái của Tuấn Phong, một người từng chơi SEA Games, AFF Cup, từng bại và từng thắng.
Chúng ta thắng được Thái Lan không, theo cái nhìn kiểu một kế hoạch vạch ra chắc chắn khả thi? Không hề. Chúng ta không thể thắng Thái Lan một cách chắc chắn. Thậm chí, chúng ta còn phải sợ rằng có thể sẽ thua họ chóng vánh.
Và khi người Thái cũng muốn PHẢI THẮNG Việt Nam, chúng ta càng khó thắng họ hơn. Ở đây là sự thua kém của cả nền bóng đá, với những chuẩn bị cho viễn cảnh 10-20 năm chứ không chỉ một thế hệ như U18, U20 hay U22.
Bỏ lỡ "cứ điểm" Indo, tự chúng ta đưa mình vào chân tường. Ở thế chân tường dĩ nhiên chống trả sẽ quyết liệt. Nhưng ở thế chân tường, kết cục của chống trả là chiến thắng chiếm tỷ lệ không lớn hơn là một thất bại có vẻ ngoài hào hùng.
Về chiến thuật, chúng ta thua toàn diện. Hữu Thắng có lý khi nói chúng ta hơn người thì tại sao phải rút Tuấn Tài ra sân. Nhưng cái đúng của Hữu Thắng chỉ là chống chế cho một thất bại (hòa Indo là thất bại của một chiến lược).
Chúng ta hoàn toàn có thể rút 1 cầu thủ ở bộ tứ vệ, để đưa thêm Đức Chinh tăng cường cho hàng công và chơi với hệ thống phòng ngự 3 người khi Indo gần như chỉ chơi thủ hòa và không lên bóng nữa.
Nhưng Hữu Thắng đã làm gì? Thay Duy Mạnh ra, đưa Tuấn Anh vào, Hồng Duy ra, đưa Quang Hải vào, đó hoàn toàn chỉ là phép thay người theo kiểu cùng vị trí vào thay cho nhau khi mệt chứ không phải thay người để thay đổi đấu pháp. Và Hữu Thắng chỉ dùng 2 quyền thay người khi đội bóng đang bế tắc trong khâu làm bàn, điều đó đủ cho phép ta đặt câu hỏi về khả năng xoay chuyển tình thế của một chiến lược gia.
Ở phút 60 của trận đấu, phút quyết định, nếu ta là Hữu Thắng, trước mắt ta có gì? 30 phút để giải quyết tấm vé và phần thưởng sẽ là 90 phút trước Thái để toan tính cho bán kết. Nhưng Hữu Thắng chọn cách nào. Tiêu 30 phút vào vô vọng và đợi chờ mòn mỏi vào 90 phút trước Thái cho tấm vé bán kết.
Nếu may mắn vào bán kết, ta nghỉ ít ngày hơn đối thủ bảng B bao lâu? Tự các bạn hãy tìm câu trả lời dễ dàng này.
Và bây giờ, có trách Hồ Tuấn Tài thêm thì cũng chỉ làm hại đội tuyển. Tài cần sự tự tin hơn bao giờ hết tại thời điểm này.
Giận thì giận, thương thì thương, người khu Bốn có câu ấy. Thôi thì hãy xem bóng đá thời giận thì giận, thương thì thương này bằng thái độ tuy giận mà thương ấy vậy.