Theo luật sư thứ nhất, hacker có thể bị xử tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo Điều 226a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009. Luật sư thứ hai cho rằng hành vi đó có dấu hiệu phạm tội “cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số” theo Điều 225 luật trên. Theo luật sư này, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị xử lý với mức án cao nhất là bảy năm tù. Nhiều bạn đọc thắc mắc ý kiến nào là chính xác?
Như đã thông tin, hacker tấn công vào trang web củaVietNamNetkhiến trang web hoàn toàn tê liệt không thể truy cập được. Hành vi này phù hợp với Điều 225 hơn là Điều 226 (không phải là Điều 226a như PV đã ghi vì Điều 226a quy định một tội khác) và như vậy ý kiến của luật sư thứ hai sát với hành vi được mô tả hơn. Tuy nhiên, cách ghi nhận của PV về Điều 225 lại không chính xác. Theo khoản 2c Điều 225, mức án cao nhất là bảy năm tù được áp dụng trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì theo khoản 3c, mức án cao nhất lên đến 12 năm tù.
Cũng trên số báo ngày 24-11, luật sư giải thích gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có nghĩa là tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên. Thực ra, mức định lượng này căn cứ vào Thông tư liên tịch số 02 ngày 25-12-2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999. Trong khi đó, tội phạm quy định tại Điều 225 thuộc chương “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”. Tội này chỉ mới được quy định trong Luật sửa đổi bổ, sung một số điều của BLHS năm 2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010 và hiện chưa có hướng dẫn cụ thể.
(Theo Pháp Luật TPHCM)